(HNM) - Sáng 1-11, tại Thư viện Hà Nội, lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh học giả Lê Văn Hòe (1911-2011), nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà giáo đã diễn ra trang trọng, ấm áp với sự tham dự của đông đảo nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, dịch giả, nhóm sưu tầm sách xưa và đại diện xã Phú Nam An, quê hương ông.
Phát biểu khai mạc của Hội Nhà văn Hà Nội đã khẳng định những nét quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của học giả Lê Văn Hòe. Ông sinh ngày 1-11-1911, tại xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Đông nay là Hà Nội. Cuộc đời làm báo, viết sách của ông bắt đầu sau sự kiện bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh của học sinh Trường Bưởi khi ông mới 15 tuổi. Từ năm 1927 đến 1954, ông đã xuất bản hàng chục tác phẩm, thuộc nhiều thể loại như truyện, thơ, tiểu luận, nghiên cứu phê bình, dịch thuật, tài liệu bách khoa đại từ điển... Có thể kể đến "Bể lòng" (truyện), "Mảnh hồn thơ" (thơ), "Học thuyết Mặc Tử" (nghiên cứu), "Triết lý truyện Kiều" (tài liệu bách khoa đại từ điển)... Giai đoạn sáng tác đáng chú ý nhất của học giả Lê Văn Hòe là sau khi ông thành lập Quốc học thư xã (NXB từng ấn hành nhiều tác phẩm của các tác giả tên tuổi). Cũng phải kể đến tác phẩm đồ sộ, nổi bật nhất của học giả Lê Văn Hòe là "Truyện Kiều chú giải" (hơn 700 trang in, xuất bản lần đầu năm 1952 tại Hà Nội). Đây là công trình được nhiều nhà nghiên cứu tập trung trao đổi nhiều nhất. Không chỉ ghi nhận những giá trị to lớn của "Truyện Kiều chú giải", nhiều đại biểu còn chỉ rõ, dù đã được tái bản 13 lần ở phía Nam, nhưng ở phía Bắc thì với bản in của Đông Tây (năm 2011), đây là lần đầu tiên tác phẩm này xuất hiện trở lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.