(HNM) - Gần 22h, nhiệt độ giảm dần, trời lắc rắc mưa phùn, khi nhiều gia đình ở thành phố đã tắt đèn và chìm trong giấc ngủ ấm êm, là lúc nhiều công trường xây dựng bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Những người thức trắng đêm này qua đêm khác để thành phố mỗi ngày một vươn cao…
Chạy đua cùng thời gian
Bắt đầu từ 21h đến khoảng 22h, nhóm hai người thợ Nhật Bản cùng các công nhân người Việt, dưới sự chỉ đạo của ông Togo Kazunori, chuyên gia người Nhật Bản, đã hoàn thành được một nắp hố ga gang theo công nghệ Nhật Bản và đang tiến hành thi công nắp hố ga thứ hai. Trong đêm, cả nhóm công nhân phải hoàn thành ba nắp hố ga ở ngã tư Quận ủy Ba Đình và Đại sứ quán Nhật Bản.
Việc nghe thật đơn giản! Nhưng ba nắp hố ga gang được chuyển từ Nhật Bản sang để thi công thí điểm lần đầu ở Việt Nam. Bốn công nhân mang ba nắp hố ga sang Hà Nội làm việc cho Công ty Hinode (Nhật Bản), một công ty chuyên sản xuất nắp hố ga gang của đất nước mặt trời mọc. Ở Nhật Bản, loại nắp hố ga này được sử dụng phổ biến với nhiều ưu điểm mà mọi loại nắp hố ga ở Việt Nam không có.
Công nhân thi công trên công trường đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. |
Ông Nguyễn Nguyên An, Phó phòng Kỹ thuật (Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội) cũng đang có mặt tại công trường chứng kiến nhóm công nhân lắp đặt nắp hố ga. Gần 20 năm gắn bó với ngành thoát nước, ông An đánh giá: "Loại nắp hố ga này có nhiều ưu điểm và Việt Nam chưa sản xuất được". Đó là có độ kín khít rất tốt vừa ngăn được mùi từ cống bốc lên vừa êm thuận, bảo đảm mỹ quan đô thị. Một ưu điểm rất đặc biệt là loại nắp hố ga gang này gần như không thể lấy cắp. Nhìn ông Togo Kazunori lắp vào rồi thử mở ra mới thấy rõ những ưu điểm kể trên. Ngoài ra, loại nắp hố ga này còn có thể được vẽ trang trí phù hợp với từng chủ đề trên từng tuyến phố hoặc theo mùa, dịp lễ tết. Nếu việc thử nghiệm thành công, mà chắc là sẽ đạt, thì Hà Nội sẽ bỏ loại nắp hố ga gang lạc hậu để chuyển sang dùng nắp hố ga có xuất xứ từ Nhật Bản này.
Trong lúc nhóm công nhân đang tập trung lắp nắp hố ga thì gần 20 công nhân cùng với xe tải chở nhựa đường và xe lu đã tập kết để sẵn sàng rải nhựa đường. Phần việc này buộc phải hoàn thành trong đêm để đến sáng sớm bảo đảm giao thông bình thường.
Đây là công trường cải tạo cống thuộc lưu vực Liễu Giai - Đội Cấn, một trong 6 tuyến cống thuộc gói thầu cải tạo cống 9.1. Gói thầu này, khi hoàn thành, sẽ giúp xử lý triệt để những điểm ngập úng cục bộ mỗi khi có mưa lớn.
Những "ngôi sao đêm"
Trong khi đó, trên tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, hàng loạt xe tải cỡ lớn đang hối hả vận chuyển đất đá, vật liệu phục vụ cho việc thi công công trình đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Mọi công việc trên công trình trọng điểm này của Hà Nội bắt đầu từ 20h đến 8h ngày hôm sau. Thế nên càng về đêm, khi mọi thứ đi vào tĩnh lặng, thì càng cảm nhận rõ sự hối hả, tấp nập khí thế công trường. Cùng với các loại máy móc hiện đại, bóng dáng những công nhân mặc áo phản quang đang làm việc miệt mài ở mỗi cung đoạn, nom lấp lánh như những "ngôi sao đêm".
Ông Nguyễn Viết Sang, Trưởng nhóm giám sát Ban Đường sắt đô thị Hà Nội cũng đang có mặt tại công trường như mọi đêm. Ông Sang cho biết, đến ngày 15-3, riêng gói thầu số 1 (tuyến đoạn trên cao), nhà thầu đã hoàn thành hơn 35% khối lượng công việc của cả gói. Trong đó, cọc khoan nhồi được xấp xỉ 80%, bệ trụ đất hơn 63%, thân trụ đạt gần 60%. Đặc biệt, ngày 25-2 vừa qua, nhà thầu đã hoàn tất việc thu hẹp hàng rào từ trụ P292 đến P298 nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Ở gói thầu số 2 (các ga trên cao), nhà thầu đã gần như hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc của 3 tháng; đã thi công 599/649 cọc tại các ga; đã hoàn thành 70/80 bệ trụ từ ga S1 đến S7.
Bươn chải qua rất nhiều công trình cầu, đường và thủy điện, ông Sang rất tự tin khi nhận làm Trưởng nhóm giám sát công trình đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như của Việt Nam. "Tôi thuộc từng ổ gà, từng điểm ùn tắc giao thông trên đoạn đường này, đơn giản chỉ vì đi lại quá nhiều" - ông Sang cho biết. Khi mới nhận việc, ông Sang thấy công trình này không phải là loại khó. Nhưng khi đi vào từng việc cụ thể, ông Sang học hỏi được nhiều điều từ những yêu cầu kỹ thuật khắt khe của tư vấn, giám sát của nước ngoài. Có những chi tiết khó đến mức phải mất cả tháng trời mới hoàn chỉnh chỉ bởi vì yêu cầu làm giao diện 3D đô thị theo đúng thiết kế.
Dẫu vậy, ông Sang tự tin khẳng định, đến lúc này đã hoàn thành 35% khối lượng công việc đề ra cho đến cuối năm 2017, tức là phải hoàn thành 6-7 cây số cầu đi nổi. Cứ với tiến độ thế này thì mọi việc sẽ được hoàn tất vào năm 2019 theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, để có được điều nghe như đơn giản đó, mọi bên liên quan đến công trình đường sắt đô thị này đều phải vượt qua một cái khó mà mọi công trình ông Sang đã từng tham gia chưa bao giờ gặp phải. Đó là thi công giữa tuyến đường trọng yếu của Thủ đô vừa thi công vừa phải bảo đảm giao thông. Anh Nguyễn Vũ Tới làm kỹ sư an toàn cho nhà thầu chính của dự án là Daelim, chuyên mảng bảo đảm an toàn lao động của công trình, nhăn nhó trình bày những cái khó khi thi công trong phố. "Khó nhất là mặt bằng chật hẹp và lượng người tham gia giao thông quá đông" - anh Tới cho biết.
Trong quá trình thi công, nhiều "tai bay vạ gió" tự dưng rơi thẳng vào đầu. Anh Tới ví dụ, có nhiều nhóm thanh niên đi nhậu đêm say xỉn hay ngáo đá đâm thẳng vào hàng rào công trường rồi chửi anh em công nhân đang… cắm đầu cắm cổ làm việc!
*
* *
Đêm càng về khuya, khi vợ con của anh An, anh Sang, anh Tới đang say giấc nồng, thì các anh càng phải tập trung vào công việc. Mặc mưa phùn, gió rét, các anh cùng hàng trăm công nhân trên các công trường sẽ hoàn thành phần việc của mình trong đêm để sáng ra trả lại lòng đường cho nhân dân Thủ đô. Hà Nội lại bắt đầu một vòng quay ngày mới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.