Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trang bị kỹ năng sống cho vận động viên

Minh Quang| 04/03/2018 07:10

(HNM) - Học thêm tiếng Anh hay các kỹ năng giao tiếp… là những điều hấp dẫn đối với những vận động viên trẻ Việt Nam hiện nay.


Ở Việt Nam, “lò” đào tạo Hoàng Anh Gia Lai nổi tiếng vì chú trọng đến việc tổ chức cho các cầu thủ học ngoại ngữ một cách bài bản. Kết quả đã rõ: Tiền vệ Lương Xuân Trường thoải mái trao đổi với các trọng tài nước ngoài hay tự tin trả lời bằng tiếng Anh trong chương trình “Talk Vietnam” của Đài Truyền hình Việt Nam ngay sau khi cùng đội tuyển U23 Việt Nam trở về từ Giải U23 Châu Á 2018.

Tuyển thủ Ngô Bảo Phương Long (ngoài cùng bên phải) biểu diễn ảo thuật cùng đồng đội trong đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia. Ảnh: Phạm Thư


Thế nhưng, đến lúc này, câu chuyện rèn luyện ngoại ngữ vẫn là “vấn đề” đối với nhiều “lò” đào tạo trẻ. Dù biết việc này thực sự quan trọng, giúp vận động viên tự tin giao tiếp với huấn luyện viên ngoại hay với vận động viên nước ngoài nhưng với nhiều câu lạc bộ đây là điều không dễ thực hiện.

Tuy nhiên, cũng đáng mừng là nguồn cảm hứng từ những chàng cầu thủ “có học”, thành thạo tiếng Anh của lò Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG đã lan tỏa tới nhiều nơi khác. Ở “lò” đào tạo của bộ môn bóng đá thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) đặt tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm, dù điều kiện sinh hoạt còn khó khăn song các huấn luyện viên vẫn quyết tâm cho học trò học thêm tiếng Anh với phương châm “biết tới đâu, tốt tới đó”.

Theo Phó Chủ nhiệm bộ môn bóng đá (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Nguyễn Trọng Hồng, việc tổ chức học tiếng Anh cho các cầu thủ đã được thực hiện từ lâu theo phương châm “xã hội hóa”, bộ môn và gia đình học sinh cùng đóng góp học phí để mời giáo viên tới dạy tiếng Anh ngay tại nơi ở cho các em. Mỗi tuần, vận động viên học một buổi.

“Thời gian học tiếng Anh không nhiều nhưng giúp các em giao tiếp cơ bản. Chúng tôi hy vọng các em sẽ có một chút “vốn liếng” tiếng Anh để có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài” - ông Nguyễn Trọng Hồng nói.

Ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia - đang tập trung tập huấn tại Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh), ngoài việc được học tiếng Anh, nhiều vận động viên còn là những “ảo thuật gia” tài ba. Các vận động viên trong đội đều biết ít nhất vài ba trò ảo thuật, có người biết đến 20-30 trò. Mối quan tâm tới ảo thuật bắt đầu từ khi một ảo thuật gia đường phố vốn đam mê bóng bàn tới giao lưu với đội. Sau đó, các huấn luyện viên ở đây nảy ra ý định để ảo thuật gia kia truyền lại một ít ngón nghề cho các vận động viên trong đội.

Ảo thuật, thoạt nghe chẳng có gì liên quan đến việc tập luyện của vận động viên bóng bàn, nhưng với huấn luyện viên trưởng Bùi Xuân Hà thì đó là phương tiện giao lưu hiệu quả của vận động viên trong đội. “Món độc” này giúp các tuyển thủ bóng bàn trẻ quốc gia luôn tạo được điểm nhấn mỗi khi tham dự các cuộc giao lưu cũng như tập huấn chuyên môn.

Theo huấn luyện viên trưởng Bùi Xuân Hà, việc biết thêm kỹ năng về giao tiếp tiếng Anh hay ảo thuật là điều tốt cho vận động viên, giúp các em có thể tự tin khi giao lưu, tiếp xúc. Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ và “tài lẻ” giúp các em giải trí tốt hơn sau những buổi tập luyện căng thẳng.

Những câu chuyện về học tiếng Anh hay học thêm vài trò ảo thuật cho thấy các nhà quản lý, huấn luyện viên cần chú ý đến việc đào tạo kỹ năng sống, trang bị kiến thức cho vận động viên. Trong đó, quan trọng nhất là phải có sự định hướng về điều này, và cần có sự đầu tư xứng đáng để việc học tập được thực hiện một cách bài bản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trang bị kỹ năng sống cho vận động viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.