(HNM) - Ngày cuối tuần làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) náo nhiệt với cả khách tây, khách ta. Những ngõ phố đầy màu sắc san sát các cửa hàng lụa, mẫu mã đa dạng luôn hấp dẫn du khách.
Tiếng thơm làng lụa
Để tìm hiểu lịch sử của làng nghề (LN) chúng tôi tới thăm nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh khi cụ đã vào độ tuổi xưa nay hiếm. Hỏi chuyện cụ về LN, như chạm vào niềm đam mê, nhấp hớp trà, cụ tâm sự: Tiếng thơm "Lụa Hà Đông" đã có trên nghìn năm tuổi, trải qua nhiều năm tháng thăng trầm, bể dâu nhưng người làng Vạn Phúc vẫn miệt mài với nghề canh cửi cho tới hôm nay. Hiện nay, LN phát triển với trên 1.000 máy dệt, sản lượng hằng năm từ 2,5 đến 3 triệu mét lụa các loại, thu về gần 30 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các nơi khác. Những mặt hàng tơ tằm như vân, sa, quế, sa tanh hoa các loại đủ màu sắc, mẫu mã phong phú được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước. Những con phố đầy màu sắc với nhiều loại lụa khác nhau, đáp ứng mọi tầng lớp nhân dân giàu có hay bình dân. Với 150 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, tấp nập khách trong và ngoài nước qua lại, mua bán. Du khách thỏa sức lựa những loại lụa yêu thích, mà còn được tìm hiểu quy trình làm lụa. Đó chính là nét độc đáo làm tăng lượng khách du lịch tới đây, mỗi năm LN đón 3.500-5.000 lượt khách.
Dệt lụa tại làng nghề Vạn Phúc. Ảnh: Thái Hiền
Rời nhà cụ Chỉnh, tới nhà chị Lê Thị Kim Thư, vừa đến cổng đã nghe thấy tiếng khung cửi dệt lanh canh. Nụ cười đon đả, chị vừa hướng dẫn lớp thợ cách dệt tấm lụa đẹp, vừa giới thiệu với khách về cách quay tơ, nhuộm màu sợi qua nhiều công đoạn. Chị Thư cho biết: Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài kế tục kinh nghiệm truyền thống gần 1.200 năm tuổi, những người làm nghề ở làng dệt lụa Vạn Phúc luôn nhạy bén chuyển mình theo cơ chế thị trường, dù có vất vả vẫn duy trì nghề dệt và mở thêm cửa hàng để kinh doanh, giới thiệu những tấm lụa đẹp đến người tiêu dùng.
Trăn trở giữ nghề
Theo ông Đỗ Văn Sinh, Chủ tịch Hiệp hội LN lụa Vạn Phúc, mặc dù lụa Vạn Phúc nổi tiếng khắp nơi nhưng có tới 70% sản lượng lụa tiêu thụ tại thị trường nội địa, chỉ có 30% được bán cho khách du lịch và xuất khẩu ra nước ngoài. Nguyên nhân là do người dân LN chưa được trang bị kiến thức về tiếp thị nên hiệu quả khai thác du lịch chưa cao và cũng như chưa có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại địa phương mà đều phải thông qua các công ty du lịch và lữ hành. Mặc dù, từ năm 2008, LN đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ sản phẩm lụa Vạn Phúc mang tên "Lụa Hà Đông". Nhưng hiện nay, ngay tại làng lụa không ít người vì lợi ích cá nhân có thể "bán rẻ" thương hiệu của LN. Thậm chí có hộ còn lạm dụng thương hiệu của LN để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng bán cho khách. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu tơ không ổn định và quá cao, năm 2009 một kilôgam tơ có giá 450.000 đồng hiện đã lên tới 1,1 triệu đồng/kg nên giá thành sản phẩm lụa phải tăng. Để may một chiếc áo phải cần từ 2,3-2,5 mét lụa, mà giá lụa lại không mềm chút nào: lụa loại 1 có giá 500.000-700.000 đồng/m, loại 2 cũng có giá 200 - 250.000 đồng/m, nên chi phí cho một chiếc áo lụa cao cấp từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Trong khi các chất liệu tơ pha nilon, đũi chỉ có giá 60.000 - 150.000 đồng/m. Điều này khiến nhiều khách hàng hiểu lầm về chất lượng lụa Hà Đông. Hiệp hội LN kêu gọi các chủ cửa hàng có tâm huyết xây dựng hệ thống cửa hàng chỉ bán sản phẩm do chính thợ Vạn Phúc làm ra. Nhưng không phải chủ cửa hàng nào cũng ý thức về điều này, nên giấc mơ có được làng lụa "100% Vạn Phúc" vẫn còn chưa trọn.
Bên cạnh đó, mô hình LN kết hợp với du lịch có từ nhiều năm nay nhưng cơ sở vật chất phục vụ còn hạn chế, đường chật hẹp, nhà nghỉ, khách sạn, các công trình phụ như bãi đỗ xe, cửa hàng kinh doanh ẩm thực hỗ trợ việc đón tiếp du khách còn rất thiếu… Tiền công thu được từ nghề dệt quá thấp nên việc truyền nghề lại cho các thế hệ sau gặp nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy phường Vạn Phúc cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho LN và giữ thương hiệu, phường khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế hộ. Chính quyền địa phương xác định chủ trương mỗi người dân Vạn Phúc là một hướng dẫn viên du lịch, mỗi nhà dân là một điểm du lịch văn minh ấm áp tình cảm xóm làng. Địa phương đang chuẩn bị bàn giao cho nhân dân đưa vào sử dụng điểm công nghiệp LN 15ha để mở rộng sản xuất, chú trọng đào tạo đội ngũ thợ dệt có tay nghề cao… Trong tương lai không xa với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và những người dân yêu nghề, LN lụa Vạn Phúc sẽ nâng cao vị thế của mình, tạo những sản phẩm độc đáo, đa dạng và chất lượng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của đông đảo khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.