(HNM) - Bà Đỗ Thị Thu Hồng (GV Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân):
"Kỳ tích" xếp hàng từ nửa đêm để có được một suất học mầm non đã trở thành vấn đề "nóng" và đã được vào "nghị trường" trong kỳ họp HĐND lần này. Theo dõi phiên chất vấn và trả lời sáng qua, tôi vẫn băn khoăn: Con số 85% trẻ mầm non được học trong các trường công lập có thể mang lại sự hài lòng cho một số cơ quan chức năng, song tại sao vấn đề này vẫn gây nhiều bức xúc, trăn trở cho các vị phụ huynh? Phải chăng, 15% số trẻ còn lại khi theo học các nhóm lớp tư thục, dân lập vừa phải chi trả những chi phí cao hơn nhiều lần so với các trường công lập, lại vừa không yên tâm về chất lượng dạy dỗ, nên họ phải cố để vào các trường công lập? Vấn đề đặt ra ở đây là, chất lượng đào tạo trong các cơ sở mầm non tư thục chưa bảo đảm, sự giám sát của các cơ quan chức năng đối với loại hình này còn chưa chặt chẽ. Nếu chất lượng giáo dục mầm non ở cơ sở dân lập tương xứng với đồng tiền người dân phải bỏ ra, thì tôi tin cảnh xếp hàng cực nhọc để tìm một chỗ học cho con từ lúc nửa đêm như hiện nay sẽ không còn.
Bà Hải Ninh (Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy): Doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư trường lớp cho con em công nhân
Tôi rất đồng tình với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Mai Sương đề cập đến vấn đề đầu tư trường lớp cho con em công nhân ở những khu công nghiệp (KCN). Ai cũng hiểu đời sống của phần lớn công nhân ở các KCN đều rất vất vả, thiếu thốn cả về tinh thần và vật chất, nay chỗ ăn học cho con em họ cũng không đủ, khiến cuộc sống trở nên cực nhọc gấp bội phần. Tôi cho rằng, người lao động (NLĐ) đã góp công sức của mình để làm ra của cải, lợi nhuận cho doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ, đầu tư trở lại cho cuộc sống của người lao động, bằng cách chung tay với thành phố tạo nơi ăn chốn ở, xây dựng trường lớp cho con em NLĐ…
Bà Hà Thị Kim Tuyến (Trang tin điện tử Thể dục Thể thao Việt Nam): Phải có chế tài đủ mạnh đối với các nhà đầu tư
Trong phần nhận xét của mình, Chủ tọa phiên chất vấn Ngô Thị Doãn Thanh lo lắng, các khu đô thị mới mọc lên ngày càng nhiều, nhưng hạ tầng cơ sở (HTCS) không theo kịp đã gây nhiều bức xúc cho nhân dân.
Có lẽ, đây là lo lắng của rất nhiều người, bởi nó hiển hiện trong cuộc sống hằng ngày và gây bất lợi cho cuộc sống người dân. Càng lo lắng hơn khi phần lớn các chủ đầu tư chỉ mải chạy theo lợi nhuận, tìm mọi cách kêu gọi các tập thể, cá nhân góp vốn để dùng chính vốn góp ấy tiếp tục đầu tư vào các dự án thương mại khác, còn những hạng mục sinh lời thấp, chậm thu lợi nhuận như: trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước… thì bị bỏ bê. Tôi cho rằng, việc này xuất phát từ cách quản lý của Nhà nước còn chưa chặt chẽ, nên chưa trói buộc được trách nhiệm của chủ đầu tư. Để buộc các nhà đầu tư có trách nhiệm đầy đủ với dự án của mình, không cách nào khác là các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài nghiêm khắc mới hy vọng HTCS, công trình phúc lợi ở những khu đô thị được hoàn thiện đúng tiến độ, đúng kế hoạch ban đầu dự án đã đề ra.
Ông Nguyễn Văn Bắc (xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa): Sớm có đánh giá tổng thể về các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Trong thời gian qua, nhiều công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã phát huy được hiệu quả, tạo dấu ấn cho Thủ đô nghìn năm tuổi. Song, bên cạnh đó cũng có những tồn tại khiến nhiều người dân chưa đồng tình. Có những công trình đến nay vẫn bị dây dưa, chưa hoàn thiện như Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32… Một số dự án được hưởng cơ chế đặc thù trong GPMB vẫn chưa được hoàn thành, nên khi GPMB ở các dự án khác người dân so bì, đòi hỏi được hưởng cơ chế tương tự… trong phiên họp sáng qua, lãnh đạo Sở Xây dựng vẫn nhìn nhận một cách chung chung về vấn đề này. Tôi nghĩ, khi trách nhiệm được phân định rõ ràng, thì những sai sót sẽ được hạn chế ở mức cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.