(HNMCT) - Thị trường bánh Trung thu đang kỳ sôi động. Tuy nhiên, mặt hàng bánh "siêu rẻ" vẫn xuất hiện, khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Siêu rẻ - siêu lo
Trong khi các thương hiệu bánh Trung thu truyền thống năm nay đều tăng giá bán do nguyên liệu tăng từ 10% đến 15% thì các mặt hàng bánh không rõ nguồn gốc được rao bán trên mạng xã hội với rất nhiều lời giới thiệu hấp dẫn song giá bán ở mức siêu rẻ, đặc biệt là dòng bánh Trung thu mini được quảng cáo là sản phẩm nhập khẩu, không có chất bảo quản, hương vị truyền thống, giá bán chỉ từ 3.000 - 6.000 đồng/chiếc. Tại sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, nhiều gian hàng quảng cáo bánh Trung thu mini với giá từ 80.000 - 90.000 đồng/25 chiếc.
Bánh Trung thu mini thường có màu sặc sỡ, đa dạng về kiểu dáng và bao bì đều in chữ Trung Quốc, không ghi hạn sử dụng. Theo quảng cáo, những loại này đều được nhập khẩu bởi công ty tại Việt Nam; bảo đảm chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi giấy tờ chứng minh chất lượng thì người bán không thể cung cấp.
Không chỉ sôi động trên mạng, bánh Trung thu mini còn được bày bán trực tiếp trên phố. Trên một vài con phố chuyên kinh doanh bánh kẹo, loại bánh này còn được bán theo cân.
Theo Tiến sĩ Từ Ngữ (Hội Dinh dưỡng Việt Nam), để làm ra một chiếc bánh Trung thu cần rất nhiều nguyên liệu như bột mỳ, trứng, sữa, các loại hạt... Như vậy, với giá chỉ 3.000 - 6.000 đồng/chiếc bánh thì rất khó để đảm bảo chất lượng. Dù bánh chưa tạo ra ngộ độc cấp nhưng tác hại về lâu dài thì không ai lường trước được.
Đặt vấn đề về chất lượng an toàn thực phẩm đối với các loại bánh Trung thu mini là hoàn toàn có cơ sở bởi trong thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sáng ngày 16-8, tại khu vực đường Trần Duy Hưng, Công an quận Cầu Giấy phát hiện 50 hộp bên trong chứa 4.000 chiếc bánh Trung thu, trên vỏ hộp và vỏ bánh đều in chữ Trung Quốc.
Một ngày trước đó, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh kẹo Dũng Hải tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, phát hiện 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton, được bày bán với giá niêm yết 2.500 đồng/bánh.
Cách đây một tháng, Đội Quản lý thị trường số 24 đã kiểm tra một cửa hàng kinh doanh cũng tại La Phù, huyện Hoài Đức, thu giữ hơn 5.000 bánh Trung thu cùng loại do nước ngoài sản xuất mà chủ cửa hàng không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ nào liên quan tới việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Chủ hàng khai nhận rằng họ mua hàng trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời.
Không nên ham rẻ
Trước nỗi lo về bánh Trung thu siêu rẻ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, khuyến cáo người tiêu dùng không vì ham rẻ mà nhắm mắt bỏ qua yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng chỉ nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế. Cần xem xét kỹ nhãn mác, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng bởi bánh để lâu hoặc bảo quản trong môi trường nóng ẩm thì rất dễ bị mốc. Đặc biệt, người tiêu dùng không mua, không sử dụng bánh Trung thu có màu sắc khác thường hoặc mùi vị khác lạ.
Để bảo đảm cho một mùa Trung thu diễn ra an toàn thì ngoài yêu cầu "tiêu dùng thông thái" đối với phía khách hàng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn hành vi sai phạm từ khâu chế biến, sản xuất cho tới tiêu thụ bánh Trung thu. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, người dân cần lựa chọn và bảo quản kỹ bánh Trung thu để tránh bị ngộ độc.
Để đảm bảo thực hiện tốt theo khuyến cáo nói trên, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng: Có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, rõ thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Đồng thời, nên mua sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng tuyệt đối không mua hàng lậu, sản phẩm trôi nổi, hàng không rõ nguồn gốc hoặc hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm bị biến dạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.