Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Trận cháy rừng” mang tên Ebola

Kim Phượng| 08/08/2014 06:17

(HNM) - Dịch virus Ebola (EVD) hay sốt xuất huyết Ebola (EHF) đã xuất hiện trở lại ở nhiều nước Châu Phi và có dấu hiệu vượt quá tầm kiểm soát. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ khi bùng phát hồi tháng 2 vừa qua tại Tây Phi, đến nay đã có 1.200 người lây nhiễm virus Ebola và hơn 900 người thiệt mạng.


Với tỷ lệ tử vong lên đến 90%, căn bệnh đáng sợ này đang lan rộng tại các quốc gia ở Tây Phi: Guinea, Liberia, Sierra Leone và mới nhất là Nigeria. Sự lây lan dễ dàng và nhanh chóng của virus cũng khiến Ebola trở thành mối đe dọa toàn cầu.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo vệ trước khi vào khu cách ly của bệnh nhân Ebola.



Virus được đặt theo con sông Ebola ở Cộng hòa dân chủ Congo, nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên vào năm 1976. Ebola có hàng loạt biến thể, lây truyền từ động vật hoang dã sang người sau đó lan ra trong cộng đồng từ người sang người. WHO cho biết, loài dơi quạ ăn trái (Pteropodidae) là vật chủ tự nhiên của Ebola. Ngoài ra khỉ đột, vượn, lợn... cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh nếu chúng tiếp xúc với nước bọt hoặc phân dơi. Dịch Ebola thường xuất hiện từ những ngôi làng hẻo lánh ở Trung và Tây Phi, gần rừng nhiệt đới. Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, sau đó có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng. Tiếp đó, người bệnh ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, có thể gây xuất huyết nội và ngoại. Cho đến nay đã xác định được 5 "loài" Ebola, được đặt tên là Bundibugyo, Sudan, Zaire, Tai Forest và Reston. 3 loài đầu tiên đặc biệt nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong tới 90%. Nỗi lo sợ lan nhanh trong các cộng đồng dân cư bởi hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa, cũng không có vắc xin. Các bệnh nhân được điều trị theo phương pháp trị liệu trợ giúp, bao gồm cân bằng chất lỏng và chất điện phân trong cơ thể, duy trì tình trạng oxy và huyết áp, chữa các chứng nhiễm trùng do biến chứng.

Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, số ca nhiễm bệnh và tử vong không ngừng tăng lên tại Châu Phi thời gian qua do các điều kiện yếu kém về chăm sóc y tế. Nguy hiểm hơn khi tại Liberia do lo sợ bị lây nhiễm Ebola, không ít người dân đã vứt xác người thân bị nhiễm bệnh ra ngoài đường, mặc cho việc làm này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Bãi chôn lấp không đúng cách cũng là mối lo ngại đối với người dân nước này. Tình hình càng thêm trầm trọng khi các bệnh viện địa phương quá tải và một số chuyên gia quốc tế đã rút lui sau vụ lây nhiễm bệnh của hai nhân viên y tế Mỹ.

Đầu tháng 8, lãnh đạo 4 nước Tây Phi gồm Guinea, Sierra Leone, Liberia và Bờ Biển Ngà đã có cuộc gặp Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan ở thủ đô Conakry của Guinea để bắt đầu triển khai kế hoạch 200 triệu USD đối phó với dịch Ebola. Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết tình trạng hiện tại ở Guinea, Liberia và Sierra Leone đang diễn biến tồi tệ hơn và cảnh báo hiện không có chiến lược tổng thể nào để giải quyết sự bùng phát của dịch bệnh. Theo MSF, các trường hợp nhiễm bệnh tại Guinea nằm cách nhau hàng trăm cây số và giới chức y tế phải chạy đua với thời gian để xét nghiệm tất cả những người đã tiếp xúc với người bệnh. Trong khi đó, Chính phủ Nigeria đã ban hành tình trạng báo động đỏ tại các cửa khẩu biên giới, đồng thời phát động chiến dịch truyền thông để gia tăng nhận thức trong cộng đồng về dịch bệnh nguy hiểm này. Nhà chức trách Nigeria cũng tuyên bố đình chỉ tất cả các chuyến bay của Hãng hàng không ASky Airlines, một hãng hàng không lớn ở khu vực Đông, Tây và Trung Phi, do đã bay qua các vùng có người nhiễm virus Ebola. Một số bác sĩ và nhân viên y tế đã trở thành nạn nhân của dịch bệnh, trong đó có một bác sĩ người Mỹ đang làm việc tại Liberia. Tuy nhiên, trong vòng 30 ngày tới, Mỹ sẽ gửi thêm các chuyên gia y tế tới các quốc gia ở Châu Phi để hỗ trợ trong việc chống lại virus Ebola.

Với sự bùng phát dữ dội dịch Ebola được ví như một "trận cháy rừng" đặt các nước từ Châu Âu, Châu Á đến Châu Mỹ trong sự cảnh giác cao độ bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa giao thương và đi lại như hiện nay virus có thể tràn sang các châu lục khác bất cứ lúc nào. WHO cho rằng virus không loại trừ quốc gia nào, điều quan trọng là cần phải có sự chuẩn bị và khống chế không cho lây lan từ ca bệnh đầu tiên nếu có. Hiện tại, nhà chức trách các nước đang ban bố lệnh cấm cũng như khuyến cáo công dân nước mình tránh tới những nước Châu Phi đang có dịch. Thậm chí, tại nhiều sân bay lớn, các biện pháp xét nghiệm đã được chuẩn bị để phòng tránh tối đa sự xuất hiện của Ebola. WHO cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh và các biện pháp đối phó trên tinh thần hợp tác giữa tất cả các quốc gia trên thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Trận cháy rừng” mang tên Ebola

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.