Dấu ấn về cuộc tấn công của người Nhật 65 năm trước vào Trân Châu Cảng là một vết cắt trong trái tim người Mỹ. Nhưng trong những ngày ở Hawaii, tôi luôn thấy một dấu ấn khác của chiến trường xưa, đó là dấu ấn của thương trường với sự hiện diện đầy uy lực của những người từ bên kia chiến tuyến trước đây.
“Nền kinh tế Pearl Harbor”
Khách đến thăm khu tưởng niệm Trân Châu Cảng đều được miễn phí vào cửa, với phương châm phục vụ “vào trước, tham quan trước”. Còn chuyện tính tiền sau tùy việc thăm thú của khách. Riêng việc tham quan tàu USS Missouri - con tàu chứng kiến sự đầu hàng của quân đội Nhật hoàng, kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1945) - phải trả 16 USD/người. Các hoạt động tham quan nơi này do tư nhân điều hành (Sở Công viên quốc gia) và được quản lý bằng một khế ước với hải quân Hoa Kỳ. Sở Công viên quốc gia có cơ ngơi rất đồ sộ, ông Daniel Martinez - phụ trách Sở Công viên quốc gia - cho biết chỉ riêng tiền bảo trì các đài tưởng niệm như chiến hạm cũng tốn kém hàng triệu USD mỗi năm.
Ông Daniel cho hay tiền ủng hộ tự nguyện của du khách từ khắp thế giới đến thăm khu tưởng niệm hay của các cựu chiến binh Trân Châu Cảng từ mọi miền nước Mỹ cũng đã lên đến hàng chục triệu USD/năm. Số tiền này được công khai trên tờ báo Harbor Times của Sở Công viên quốc gia. “Chúng tôi không kinh doanh trực tiếp các đài tưởng niệm, mà bằng những dịch vụ cộng thêm bên ngoài. Các mô hình tham quan cần được tôn trọng như đúng nguyên bản của nó” - ông Daniel nói. Khá bất ngờ khi biết tôi là người VN, ông cho đưa đến những tờ gấp thuyết minh tóm tắt lịch sử Trân Châu Cảng bằng tiếng Việt!
Ở khu tưởng niệm, người ta không thu phí vào cửa, di chuyển tham quan, cho dù du khách được đưa ra đài tưởng niệm chiến hạm USS Arizona bằng chính con tàu cao tốc mà các đời tổng thống Mỹ đã từng sử dụng. Nhưng những “dịch vụ cộng thêm” như ông Daniel nói là những mô hình chiến hạm Arizona nhỏ bé nhưng tinh xảo được bán với giá 35 USD, những chiếc áo thun mang hình chiến hạm Missouri có giá 25 USD...
Đặc biệt, những tờ báo Honolulu số phát hành vào ngày 7-12-1941 được in trên giấy vàng đúng y như nguyên mẫu 65 năm về trước được bán với giá 1 USD trong khi giá bán của nó ngày xưa chỉ vài xu. Một bộ ảnh tư liệu nguyên gốc đen trắng do các phóng viên quân đội Mỹ chụp ngày 7-12-1941 được bán với giá 10 USD, một đĩa CD là 25 USD...
Bộ phim Pearl Harbor của Hollywood với dàn diễn viên Ben Affbck, Cuba Gooding, Kate Beckinsale... đã mang về cho công nghiệp điện ảnh Mỹ hàng trăm triệu USD, nay vẫn được bày bán ở hầu hết cửa hiệu tại Hawaii với giá 30 USD/DVD. Trên đường phố, những chiếc xe đời mới với hình vẽ chiến hạm Missouri cũng đủ để thu hút du khách chen chân đến chụp ảnh. Người ta tính toán rằng chỉ riêng tiền “dịch vụ cộng thêm” đủ để đóng mới vài chiến hạm USS Arizona!
Người Nhật “đổ bộ” Hawaii
Tại sân bay Narita (Nhật), tôi có dịp trò chuyện với ông Mori Norio - tổng giám đốc Công ty Ximăng Nghi Sơn VN - sang Mỹ nghỉ cuối năm. Ở tuổi gần 50, trận đánh Trân Châu Cảng diễn ra khi ông chưa chào đời.
Ông nói: “Tôi đến thăm Trân Châu Cảng để hiểu hơn về lịch sử và để nhìn về một tương lai hòa bình. Tôi là một doanh nhân, đầu tư trong ngành xây dựng và đặc biệt là ở VN, một đất nước cũng đã từng trải qua chiến tranh, nên tôi hiểu rất rõ sự khủng khiếp của chiến tranh. Nghĩ về cuộc chiến hôm qua để chúng ta cùng nhau xây dựng những giá trị cuộc sống tốt đẹp hơn”. Ông Mori nói rằng hầu như doanh nhân Nhật nào ngày nay cũng xem Hawaii như một thiên đường cần phải đến thăm.
Tôi cũng đã gặp nhiều người Nhật đi cùng với gia đình sang Mỹ để nghỉ Giáng sinh. Ông Takihisho, một doanh nhân Nhật đưa cả gia đình sang Hawaii đón Giáng sinh, nói: “Trận đánh Trân Châu Cảng ư? Tôi biết, nhưng đó là chuyện xa xưa, chúng tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ, chúng tôi chỉ muốn đi thăm thiên đường”. Còn chàng trai trẻ Suzuki Kohta, một doanh nhân cũng sang Hawaii nghỉ cuối năm: “Tôi hầu như không biết gì về Trân Châu Cảng, chỉ biết Hawaii là thiên đường để mọi người khắp thế giới cùng đến nghỉ ngơi”. Lịch sử đã lùi xa, nhiều bạn trẻ người Nhật hiểu mảnh đất này là một nơi hưởng thụ hơn là ký ức, nhiều người biết rành rẽ về những địa chỉ vui chơi, mua sắm, thăm thú hơn là những di tích Trân Châu Cảng.
Tôi thật bất ngờ khi thấy ở sân bay quốc tế Honolulu (Hawaii) hầu hết những nhân viên cảnh sát, hải quan, an ninh cho đến người phục vụ sân bay đều mang gương mặt Á Đông và phần lớn nói tiếng Nhật như người Nhật! Đi khắp các đảo Hawaii, Oahu, Molokai, Maui…, ở đâu cũng tràn ngập những cửa hàng kinh doanh của người Nhật, xen kẽ giữa những tòa nhà chọc trời là những mái nhà kiểu Nhật và cả những ngôi chùa kiểu Nhật.
Các cửa hàng kinh doanh, nhân viên dù da trắng hay da đen đều sành sỏi tiếng Nhật. Tại Maui - đảo đứng thứ hai về diện tích cũng như dân số, nhưng lại là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp nhất không chỉ của Hawaii mà còn là cả nước Mỹ - hàng loạt biệt thự cao cấp có giá từ vài triệu đôla trở lên, mà người hướng dẫn bản địa có thể chỉ rõ đâu là tư dinh của các ông chủ tập đoàn kinh tế Nhật như Sony, Toshiba, Sanyo, Honda... Theo Công ty đầu tư tài chính First American, giá trị của nền kinh tế Nhật có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh giá biệt thự cao cấp ở “thiên đường Hawaii”. Ngay trong thời kỳ cực thịnh của Hawaii những năm 1990, khi Hawaii trở thành tiểu bang có dự trữ tiền tệ lớn nhất Hoa Kỳ thì đó cũng là thời điểm chính quyền đặt dưới sự điều hành của một thống đốc tiểu bang người Mỹ gốc Nhật.
Người Nhật luôn xem Hawaii như một “hòn đảo gần nhà” và người Mỹ tại đây lại xem người Nhật như một người anh em.
Theo TT
-----------------
Nhiều ngày lang thang, tôi thử hỏi thăm cư dân Hawaii này những tiệm nhảy sexy nhưng ít ai biết, song họ sẵn sàng hướng dẫn đến tận các bãi biển đẹp tuyệt trần như Waikiki, Yuchang, Wailea... với những bãi tắm tiên đúng nghĩa nhất của nó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.