Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trăm năm tưởng nhớ một tác gia

Năng Lực| 31/10/2011 06:25

(HNM) - Giới trí thức Việt Nam từ cuối những năm 1920 đến sau ngày Thủ đô giải phóng, nhiều người biết đến và kính trọng Lê Văn Hòe với tư cách nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nhà giáo có nhiều đóng góp cho nền văn học và giáo dục nước nhà.

Tìm hiểu tiểu sử, dù là rất sơ lược của ông, người đương thời và hậu thế không khỏi ngạc nhiên, kính phục trước một tấm gương ham học, kiến thức uyên thâm Đông Tây, kim cổ tầm bác học của ông. Đặc biệt là ông có những trước tác từ rất sớm, ở tuổi thiếu niên.

Học giả Lê Văn Hòe (1911-1968).


Lê Văn Hòe, bút danh Vân Hạc, sinh ngày 1-11-1911 tại làng Mụ ven sông Đáy, thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Đông, sau là Hà Tây, nay là Hà Nội trong một gia đình Nho học. Mới 6 tuổi, ông đã được các cụ thân sinh cho học chữ Hán, lên 9 tuổi bắt đầu học tiếng Pháp. Thông minh, học giỏi, ông được vào học Trường Bưởi danh tiếng lúc bấy giờ, nhưng sau cuộc bãi khóa để tang chí sỹ Phan Chu Trinh năm 1926, ông đã phải thôi học, lăn vào đời kiếm sống bằng nghề viết văn, làm báo. Từ đó trở đi, vốn kiến thức ông có được chủ yếu do không ngừng tự học. Có thể nói Lê Văn Hòe là một trong số rất ít tác gia Việt Nam có sách in rất sớm. Năm 1927, lúc mới 16 tuổi, ông đã cho in cuốn sách giáo khoa “Khai tâm luân lý”, năm 1930, khi 19 tuổi, ông viết cuốn truyện văn học đầu tiên “Bể lòng”, năm 1931, ông in tập “Mảnh hồn thơ” thuộc dòng văn học lãng mạn... Năm 1936, trong phong trào Mặt trận Dân chủ, ông tham gia Ban Biên tập Báo Đời mới, sau đó làm Chủ bút tờ Ngọ báo (sau đổi thành Việt báo) và phụ trách phần nghiên cứu của tờ Trung Bắc Chủ nhật. Từ năm 1941, ông mở Nhà xuất bản Quốc học thư xã, vừa làm giám đốc vừa viết sách nghiên cứu văn học và lịch sử, bắt đầu thời kỳ sáng tác quan trọng nhất trong cuộc đời. Quốc học thư xã là nhà xuất bản có uy tín thời kỳ này, đã từng in ấn, xuất bản nhiều tác phẩm của các tác gia tên tuổi đương thời như Phạm Quỳnh, Vũ Bằng, Thành Thế Vỹ... Qua Quốc học thư xã, Lê Văn Hòe cũng cho in hàng loạt tác phẩm nghiên cứu, dịch thuật, phê bình văn học và lịch sử của mình. Nhiều cuốn trong số đó được ngành giáo dục đương thời chọn làm sách giáo khoa, đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông, được dư luận ngợi khen, nhiều tầng lớp độc giả đón đọc. Nhiều tác phẩm của ông bán hết nhanh, phải tái bản nhiều lần để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc cả nước. Trong những năm tháng sống dưới chế độ thực dân, Lê Văn Hòe có thái độ rõ ràng với chính quyền cai trị, nhiều phen tỏ ra không chịu khuất phục nên đã từng bị chính quyền đương thời gây khó dễ. Thậm chí khi ông được giới văn nghệ sỹ tín nhiệm bầu vào ban lãnh đạo Nghiệp đoàn Báo giới Bắc kỳ thì đã bị nhà cầm quyền gạch tên.

Trong thời kỳ Mặt trận Việt Minh, năm 1945, Lê Văn Hòe làm Chủ bút tờ Quốc gia xuất bản hằng ngày do Trần Huy Liệu làm Chủ nhiệm. Quốc gia là tờ báo cách mạng, công khai tuyên truyền ủng hộ Mặt trận Việt Minh, hô hào đánh đổ thực dân, phong kiến. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được anh em Hội Văn hóa Cứu quốc tín nhiệm cử ra ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau ngày Pháp gây hấn, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, năm 1946, Lê Văn Hòe đưa gia đình tản cư ra vùng tự do. Vì hoàn cảnh, ông buộc phải đưa gia đình về Hà Nội kiếm kế sinh nhai, chuyên tâm vào nghề dạy học và hoạt động xuất bản. Cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, Thủ đô giải phóng, Lê Văn Hòe ở lại Hà Nội, không di cư vào Nam như nhiều người khác. Từ năm 1954 đến 1964, ông dạy văn học và lịch sử ở Trường Alberrt Saraut, sau về dạy ở Trường Tam Hiệp, Thanh Trì và qua đời ngày 13-12-1968 tại nhà riêng ở 74 Tô Hiến Thành, Hà Nội. Tuy chỉ dạy học hơn 10 năm, song ông đã để lại trong nhiều thế hệ học trò những ấn tượng sâu sắc và niềm vui thích đặc biệt khi được nghe ông giảng về nghệ thuật chữ nghĩa trong những tác phẩm văn học kinh điển của nước nhà, đặc biệt là Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.

Từ năm 1927 đến 1954, Lê Văn Hòe đã có hơn 30 tác phẩm được xuất bản, trong đó có 5 tác phẩm thuộc loại sáng tác, 7 tác phẩm nghiên cứu, phê bình, 15 tác phẩm thuộc loại tài liệu bách khoa đại từ điển, 2 tác phẩm dịch thuật và 9 tác phẩm sách giáo khoa, gồm hàng chục nghìn trang in. Trong số đó, có thể nói Truyện Kiều chú giải là tác phẩm đồ sộ nhất, bộc lộ vốn tri thức uyên thâm Đông Tây, kim cổ và tài năng, học thuật của ông. Nhiều nhà nghiên cứu và học giả tên tuổi nhận xét, tác giả đã rất tài tình và kỹ lưỡng trong chú giải, cẩn trọng và tinh vi trong bình luận, nghiêm túc, khách quan trong hiệu đính mà vẫn bày tỏ được rõ ràng chính kiến cá nhân, đồng thuận với nhận thức và suy nghĩ của đại đa số độc giả. Truyện Kiều chú giải do Quốc học thư xã ấn hành năm 1952, dày 724 trang, ngay khi ra đời đã được dư luận học thuật cả nước xôn xao đón nhận. Báo chí trong Nam ngoài Bắc liên tục đưa tin về tác phẩm này, có thể kể ra đây một số ví dụ:

“Nhà văn kiêm học giả Lê Văn Hòe vừa cho xuất bản bộ sách Truyện Kiều chú giải dày hơn 700 trang, là bộ sách biên khảo công phu nhất từ khi có chiến sự 1946 đến nay.

Thêm Truyện Kiều chú giải của Lê Văn Hòe, người đọc tin chắc rằng sẽ hiểu thấu Truyện Kiều hơn, thưởng thức hết cái hay của Truyện Kiều, cũng như đôi khi phân biệt cái dở của Truyện Kiều. Hơn nữa, với sự biên khảo kỹ lưỡng của Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải có thể dùng làm công cụ học vấn giáo dục, làm một kho tài liệu vô giá để phục vụ học đường...” (Báo Giang Sơn số 116, ngày 5-6-1953).

“Ông Lê Văn Hòe, một kiện tướng trong văn giới Việt Nam chúng tôi tưởng không cần giới thiệu nhiều. Riêng về Truyện Kiều chú giải thì quả là một công trình vĩ đại trong công cuộc xây đắp văn nghệ nước nhà. Những lời chú giải, bình luận cuối mỗi trang, và suốt bảy trăm trang đã chứng tỏ sự cố gắng phi thường của tác giả...

Truyện Kiều chú giải chắc chắn sẽ là người bạn cần thiết cho những ai muốn trau dồi Việt ngữ và chắc chắn được mọi giới hoan nghênh” (Báo Thân Dân số 35 ngày 5-6-1953).

“Đó là một công trình lớn lao mà ông đã làm có mục đích giúp mọi người hiểu thấu Truyện Kiều, thưởng thức hết cái hay của Truyện Kiều, và đưa Truyện Kiều ra làm công cụ học vấn giáo dục có lợi ích cho giới học đường.

Việc chú giải này đòi rất nhiều công phu, tuy vậy, ông đã cố gắng hoàn thành một cách mỹ mãn. Với cái lương tâm đó, một lòng vì tiền đồ quốc văn, ông cũng đáng được khuyến khích và khen thưởng nhiều rồi vậy...” (Báo Tia Sáng số 1616 ngày 7-6-1953).

“Truyện Kiều xưa nay cũng đã nhiều nhà chú giải, nhưng muốn kể là đầy đủ thì thật chưa có quyển nào đầy đủ cả.

Để bổ vào chỗ khiếm khuyết xưa nay đó, ông Lê Văn Hòe đã để nhiều công phu, nhiều thời gian vào cuốn sách chú giải to lớn này. Ngoài phần hiệu đính, chú giải, còn thêm phần bình luận. Bình luận theo một kiến giải mới mẻ, có thể coi là một phát kiến trong kho tàng vô giá của văn chương Việt Nam. Bao nhiêu trân bảo của tiền nhân để lại, được Lê - Quân làm người chỉ đạo đưa ta đến tận nơi thưởng thức...” (Báo Sài Gòn, số 3 ngày 22-6-1953)…

Với một dư luận văn đàn khắt khe như thời ấy, tưởng chỉ cần nêu mấy dẫn chứng như vậy cũng đủ thấy tầm ảnh hưởng của Lê Văn Hòe và tác phẩm của ông với văn giới đương thời.

Lê Văn Hòe có 11 người con, rất nhiều cháu, chắt nội, ngoại, tất cả đều phương trưởng, thành đạt, nhiều người nối nghiệp văn chương, báo chí của cha ông. Cùng làm việc tại Báo Hànộimới có Lê Văn Hiệp, một họa sỹ tài hoa đã quá cố; nhà báo, nhà văn Lê Tấn Hiển, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của hàng chục tiểu thuyết, kịch bản phim đoạt nhiều giải thưởng; nhà báo, nhà văn Lê Phúc Hỷ, đang là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân; nhà báo Lê Hoàng Anh, đích tôn của Lê Văn Hòe, hiện là Phó ban Thư ký Tòa soạn, một cây bút phóng sự, bình luận khá vững.

Nhân dịp kỷ niệm 191 năm Ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh học giả, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà giáo Lê Văn Hòe, Nhà sách Đông Tây đã cho tái bản cuốn Truyện Kiều chú giải, vừa là để tưởng nhớ, vừa để tôn vinh những cống hiến của Lê Văn Hòe trong học thuật, nghiên cứu, phê bình và sáng tác, ghi nhận sự đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà.

Với những gì để lại cho hậu thế, nhà trí thức tiến bộ, yêu nước Lê Văn Hòe xứng đáng được hậu thế vinh danh, ghi nhận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trăm năm tưởng nhớ một tác gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.