(HNM) - Là một trong số ít địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có nghề nung gạch gốm, Vĩnh Long có những lò nung tồn tại đã hàng trăm năm...
Các sản phẩm gốm đỏ đặc trưng được hình thành qua bàn tay người thợ Vĩnh Long đã nức tiếng một thời. |
“Vương quốc” gạch, ngói của miền Tây
Từ cầu Mỹ Thuận, chúng tôi men theo quốc lộ 53 bên sông Cổ Chiên để tìm về những lò gạch gốm của Vĩnh Long. Từ phía xa, các lò nung màu đỏ au như những cây nấm rơm khổng lồ dần hiện rõ, nổi bật trên nền xanh của những vườn trái cây. Ông Trần Văn Thổ, 66 tuổi, chủ một lò gạch ở xã Chánh An (huyện Mang Thít) cho hay, gia đình ông có tới 3 đời làm nghề nung gạch gốm. “Hồi trước, gia đình tôi chỉ có 1 lò nung nhưng tới năm 1990, do làm ăn phát đạt, tôi đã đầu tư đắp thêm 3 lò nữa. Dạo đó, gạch, ngói vào ra lò không ngớt, có thời điểm thuê tới 20 thợ để dỡ và xếp hàng vào lò. Các lò của gia đình tôi đều liên tục đỏ lửa. Hàng được các ghe lấy mang về xuôi dưới Gò Công (tỉnh Tiền Giang), Mỹ Tú, Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) hay ngược lên Kiến Tường (tỉnh Long An), Hồng Ngự, Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp). Vậy nhưng, do không có hiệu quả kinh tế, hiện tôi đã phá 3 lò để lấy đất trồng mít Thái...”, ông Thổ ngậm ngùi.
Là người từng có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề gạch gốm, ông Thổ hiểu rõ những thăng trầm của nghề này ở quê hương. Ông bảo, nghề nung gạch gốm của Vĩnh Long xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, bởi trong vùng có nguồn đất sét pha đặc trưng dồi dào. Ban đầu, sản phẩm của các lò nung chủ yếu là gạch và ngói, những sản phẩm quan trọng để xây dựng nhà cửa. Thời điểm ấy, ngoài khu vực Mang Thít, Long Hồ thì hầu như khắp miền Tây rộng lớn không nơi nào có những sản phẩm tương tự. Khoảng những năm 1950, nghề nung gạch, ngói nơi đây bắt đầu vượt ra ngoài địa phương. Đó cũng là lúc có một số nơi như Sa Đéc, Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) bắt đầu học nghề này, nhưng Mang Thít, Long Hồ vẫn được coi là “vương quốc” gạch, ngói của miền Tây với số lượng các lò vượt trội. Hầu như gia đình nào cũng sở hữu một vài lò nung.
Có thời điểm, tỉnh Vĩnh Long thống kê tới gần 3.000 lò nung. Sau đó, khoảng những năm 1980, nhiều chủ lò gạch ở đây bắt đầu có ý thức tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn, bằng cách nâng cao nhiệt độ khi nung (khoảng 1.000 độ C) để tạo thành các loại gốm đỏ với sự giúp sức của công nghệ hiện đại. Từ những sản phẩm bình dân như chum, vại, gạch, ngói cho tới những sản phẩm cao cấp hơn là bát, đĩa, chén... sản xuất ra đều được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận “Gốm đỏ Vĩnh Long” đặc trưng.
“Đây là kết quả của quá trình nung bằng than và trấu. Do chi phí gốm đỏ thấp hơn gốm thông thường, chất lượng lại không thua kém nên nhanh chóng trở thành mặt hàng được ưa chuộng. Đó cũng là quãng thời gian hưng thịnh nhất của các chủ lò nung nơi đây, bởi sản phẩm gốm đỏ còn vượt ra cả biên giới miền Tây, sang tận Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan hay ngược lên TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Nhiều lò thu hàng tỷ đồng mỗi tháng nhờ các sản phẩm gốm đỏ thân thuộc như khay, chén, đĩa...”, ông Thổ kể.
Nỗi lòng bên sông Cổ Chiên
Dọc theo tỉnh lộ 902, một bên là dòng sông Cổ Chiên, chúng tôi thấy hàng trăm lò gạch nhấp nhô hai bên đường. Nhiều chủ lò tâm sự, cách đây chừng chục năm, lò nào cũng rực lửa, ghe chở hàng, chở nguyên liệu đến và đi đậu kín cả sông Mang Thít, Cổ Chiên, kênh Thầy Cai. Còn bây giờ, lâu lâu mới có lò nổi lửa mà cũng chỉ là gạch, ngói vật liệu, giá trị thấp. Nhiều gia đình đã bỏ nghề cả 6, 7 năm lên thành phố làm công nhân nhưng vì tiếc, vì nhớ nên không lỡ phá lò.
Theo người dân ở đây, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hàng nghìn lò nung ở Vĩnh Long nguội lạnh. Một trong những lý do là quy định hạn chế các lò nung thủ công, đốt nguyên vật liệu gây khói, bụi, ô nhiễm môi trường, đồng thời khuyến khích sử dụng các vật liệu không nung trong xây dựng. Cùng với đó, tiêu chí để các lò nung hoạt động cũng được thắt chặt, khiến chi phí vật liệu tăng cao đẩy giá sản phẩm cao hơn, nên không thể cạnh tranh được sản phẩm từ các vật liệu khác có giá thành rẻ hơn.
Trong chuyến tìm hiểu những lò nung ở Vĩnh Long, chúng tôi nhận thấy hầu như các lò gốm đều nằm sát ven bờ sông. Nhiều người ở đây cho biết, các lò gốm cổ xưa nhất đều nằm ven sông Cổ Chiên ở các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Chánh An (huyện Mang Thít). Có lẽ do thuận tiện khi nhập nguyên liệu chất đốt (trấu, củi) cho tới việc xuất bán sản phẩm đều bằng ghe thuyền nên các lò phải đắp gần sông, kênh.
Là một trong những chủ lò đến nay vẫn còn hoạt động, bà Nguyễn Thị An ở ấp Mỹ Chánh (xã Chánh An, huyện Mang Thít) cho biết, các sản phẩm gốm ở đây không tráng men, có màu đỏ hồng đặc trưng hiếm nơi nào có được. Ngoài ra, nhờ sáng tạo kỹ thuật nung, một số sản phẩm gốm đỏ lại có thêm màu trắng bạc loang lổ tự nhiên tạo ra những nét rất riêng. Nhiều đồ mỹ nghệ gốm Vĩnh Long đến nay vẫn thu hút được khách hàng. Tuy nhiên, việc duy trì lò nung thì khó khăn. “Trước kia dịp cuối năm, hàng xuất đi hằng ngày còn bây giờ, hầu như mỗi tuần chỉ có một ghe hàng tới lấy sản phẩm. Họ mang lên TP Hồ Chí Minh rồi lại phân phối đi các nơi khác. Chừng hơn 10 năm trước, lúc chồng tôi còn sống, cả nhà có 3 lò nung lúc nào cũng đỏ lửa, chứ không nguội lạnh như bây giờ”, bà An kể thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về hướng bảo tồn giá trị của làng nghề gốm, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: "Ngành Du lịch tỉnh đang có đề án biến các lò nung này thành địa điểm du lịch làng nghề kết hợp. Theo đó, các lò nung gốm đỏ ở Mang Thít, Long Hồ có lợi thế lâu đời, lại rất nổi tiếng. Đặc biệt, so với các tour du lịch làng nghề khác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang thì việc du khách đi ghe thuyền ven sông ngắm các lò gốm sẽ độc đáo và thú vị hơn nhiều. Ngoài ra, các lò nung gốm cũng sẽ có thêm một lượng khách hàng rất tiềm năng, bởi mua sắm các sản phẩm trực tiếp tại làng nghề đang là xu hướng mà khách du lịch chọn lựa. Nếu thành công, đây sẽ là hướng đi thích hợp vừa bảo tồn, vừa phát triển làng nghề nung gốm đỏ lâu đời ở Vĩnh Long một cách bền vững nhất...".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.