(HNMCT) - Có những người ta gặp trong đời, cứ nhìn cái dáng đi, giọng nói, cử chỉ, phục trang…, nhất định sẽ ngầm mặc định cái con người ấy không bao giờ sung sướng. Cũng vì cái “tạng” không bao giờ sung sướng ấy nên dù đã từng làm “quan thượng thư”, đảm nhận nhiều trọng trách của đất nước, ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn còn nguyên dáng dấp của một người gắn bó quá lâu và quá sâu với người nông dân.
Tôi trò chuyện với ông một chiều mùa đông, câu chuyện cà kê trên trời dưới biển, rồi lại quay về mảng của ông: nông dân và nông thôn. Mới thấy, trải qua nhiều cuộc bể dâu, bên trong người - của - nông - dân ấy vẫn vẹn nguyên sự tâm huyết với “mối duyên” định mệnh của đời mình…
Đến bây giờ, xây dựng nông thôn mới vẫn là câu chuyện thời sự của toàn xã hội; với riêng ông, nông thôn mới có còn chiếm nhiều thời gian và tâm sức như ngày nào?
Xây dựng nông thôn mới hiện là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân. Với riêng bản thân tôi, tôi đã quan tâm đến mảng này từ hàng chục năm nay. Còn nhớ thời điểm năm 2000, khi còn làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có dịp đi nhiều vùng nông thôn trên khắp cả nước, tôi nhận ra một điều: mấy chục năm sau khi kết thúc chiến tranh, đất nước đã có nhiều đổi thay toàn diện, kinh tế ngày càng phát triển với nhiều khu đô thị, khu công nghiệp,… và đương nhiên đời sống người nông dân cũng khác xưa từ cái ăn, chỗ ở, nước sinh hoạt, chăm sóc y tế… Tuy nhiên, về cơ bản chất lượng sống của đa số nông dân vẫn thấp. Thời điểm đó người ta so sánh thu nhập của người dân nông thôn kém khu vực thành thị 4 – 5 lần nhưng về các mặt văn hóa, thông tin,… thì kém hàng mấy chục lần. Càng đi, tôi càng thấy băn khoăn. Tôi đã đi những bước đầu tiên, đặc biệt là ngay trong Bộ, tôi đã triển khai các dự án nhỏ nhằm thay đổi hiện thực ấy. Sau này, có dịp sang Hàn Quốc, tôi thấy mô hình của họ làm rất tốt nên cũng thí điểm làm theo ở 17 thôn trên cả nước. Cách làm của nước bạn rất đơn giản: cho nông dân vật liệu, xi măng và không cho tiền, các làng thôn sẽ bàn bạc và lập Ban xây dựng làng mới, họ tự quyết và sử dụng số vật liệu được cho, có thể làm nhà, làm đường… Khi kiểm tra, đơn vị nào làm tốt, hiệu quả thì lại tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn; nơi nào làm chưa hiệu quả thì dừng hỗ trợ để xem xét lại.
Đến giờ, tôi vẫn hết mình - trong khả năng có thể - với nông dân, nông thôn. Sức khỏe có kém đi theo thời gian nhưng bầu nhiệt huyết thì vẫn thế. Mỗi khi có dịp về thăm lại những thôn, làng mình và các anh em đã chung tay xốc vác từ hàng chục năm, thấy diện mạo nông thôn, đời sống người dân thay đổi, tôi rưng rưng xúc động…
Thưa ông, theo quan điểm của ông thì đâu là những vấn đề mấu chốt nhất của xây dựng nông thôn mới?
Theo tôi, từ 19 tiêu chí, hay nhiều văn bản kèm theo, chúng ta có thể gút lại trong 5 nội dung cơ bản: phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng đời sống văn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; hoàn thiện và củng cố hệ thống chính trị.
Trên thực tế, có một số ý kiến cho rằng trong số 19 tiêu chí chúng ta đã đề ra để xây dựng nông thôn mới, có những tiêu chí không phù hợp, không “ổn” với nhiều địa phương, tôi xin khẳng định là chúng ta không thể xây dựng được bất cứ bộ tiêu chí nào có thể phù hợp với tất cả các địa phương, vùng miền được. Điều cốt yếu nhất là trong quá trình thực hiện, chúng ta nên coi tiêu chí là chỗ dựa thôi, và nên linh hoạt khi đánh giá cũng như xây dựng các tiêu chí.
Nhắc đến các tiêu chí ấy, có ý kiến cũng cho rằng vì cứ chăm chăm lo hoàn thành đủ các “điều lệ” nên không tránh khỏi tình trạng ở địa phương, người ta sẽ chạy đua hoàn thành tiêu chí để đạt danh hiệu mà quên đi cái cốt lõi nhất vẫn là sự thay đổi thực chất, sự thay đổi về chất. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Tôi nghĩ chúng ta không nên đánh đổi, tiêu chí không nên là danh hiệu – nghĩa là chỉ mang tính hình thức mà không có thực chất gì. Người nông dân họ cần một nông thôn mới sẽ mang cho họ những thứ thực tế, chứ không phải thứ danh hiệu suông. Nên chăng chúng ta định nghĩa lại nông thôn mới cho giản dị và đơn giản hơn: có nền kinh tế phát triển/đời sống văn minh gắn với sự cải thiện về đời sống, môi trường sạch đẹp, nếp sống văn hóa/người nông dân có đời sống khá giả. Đó là những thứ thực chất. Tôi sợ và rất buồn khi từng thấy nhiều làng treo biển “Làng văn hóa” mà chỉ chưng cho người ta thấy một khung cảnh tiêu điều, xơ xác. Chúng ta nên xem nỗ lực xây dựng nông thôn mới là một tiến trình của sự phát triển chứ không nên xem đây là một cuộc thi đua.
Có thể xem nỗ lực xây dựng nông thôn mới là biểu hiện của tình yêu nước không, thưa ông?
Có. Tôi nghĩ tình yêu nước phải bắt nguồn từ tình yêu quê hương, làng xóm. Đã yêu, anh phải chung tay góp phần làm cho nó đẹp hơn, tốt hơn. Tôi hoài nghi những người nói yêu nước mà không xuất phát từ cái gốc rễ ấy.
Nếu nhắc đến nông thôn thời hiện đại, những ấn tượng nào hiện lên trong ông trước nhất?
Đất lúa bị thu hẹp; lao động trẻ khỏe đã về các vùng thành thị; cơ chế cạnh tranh gay gắt nhưng sản xuất lại nhỏ lẻ manh mún. Từ các yếu tố cấu thành ấy, tôi thấy nông thôn của chúng ta còn khó khăn và đìu hiu quá!
Ông có hơi bi quan không?
Không, đó là sự thật. Tôi thực sự thèm cái không khí hừng hực khí thế của những cuộc cách mạng trong nông nghiệp trước đây của chúng ta, đặc biệt là thời khoán 10. Tôi muốn có cái không khí ấy, tinh thần ấy, tâm thế ấy cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới bây giờ. Để huy động được sức dân tuyệt vời đó, chúng ta phải xóa bỏ ngay sự chậm trễ trong nhận thức về nông nghiệp, nông dân. Xin hãy nhớ lại, khoán sản phẩm ra đời đã giải quyết rất nhiều khó khăn cho đời sống xã hội khi đó. Đồng thời, chính nó cũng tạo ra những xung đột mới cho toàn xã hội, là động lực cho quá trình đổi mới. Như vậy, sự thay đổi diệu kỳ mà chúng ta đã ghi nhận và cổ vũ, chính là từ nông thôn mà ra.
Khó khăn nhiều như thế, ông có tin tưởng nỗ lực xây dựng nông thôn mới sẽ thành công không?
Chúng ta phải thấy là người nông dân yếu nhất về tiềm lực kinh tế nhưng lại bị quá nhiều khó khăn bủa vây. Sự hỗ trợ cho những xã nghèo, huyện nghèo như cách chúng ta đã làm sẽ không tạo được phương thức và lực lượng lao động mới. Hiện, nông thôn vẫn còn hàng trăm ngàn đám ruộng như manh chiếu, hàng trăm năm rồi vẫn nguyên cái cuốc, cái cày, nhiều nơi dùng gầu tát nước,… Như thế để thấy, đất nước chuyển mình và thay đổi bao nhiêu rồi mà chúng ta nhìn về nông dân chậm quá. Chúng ta phải tích cực hơn, xắn tay vào mà làm chứ đừng hô hào mãi. Bản thân người nông dân cũng phải đứng lên mà làm. Nông thôn mới nếu không tìm ra được động lực để nông dân đứng lên, làm chủ, xây dựng đời sống của họ thì sẽ không bao giờ thắng lợi. Trải qua bao cuộc bể dâu, làng quê của chúng ta, nông thôn của chúng ta vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa từ ngàn đời, giữ được cái mối thâm tình bà con lối xóm, điều ấy quý giá biết bao. Dâu bể đấy, mà nét văn hóa làng, văn hóa lúa nước vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử. Chúng ta phải giữ được cái cốt ấy, vì cái cốt ấy mà làm, nhất định sẽ thành công!
Xin cám ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.