(HNM) - Đến hẹn lại lên, khi hè về, mô hình trại hè với nhiều hoạt động trải nghiệm, khám phá lại bùng nổ. Tuy nhiên, do phát triển "nở rộ" nên chất lượng hoạt động của nhiều trại hè không được như mong đợi của phụ huynh. Đã đến lúc cần có cơ chế quản lý, giám sát để trại hè thực sự phát huy hiệu quả vốn có của nó.
Nhiều mô hình “nở rộ“
Theo khảo sát thực tế, hiện ở nhiều địa phương có các trại hè quân đội, khóa tu... thu hút trẻ em và phụ huynh tham gia. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, các nhóm tự phát tổ chức lộn xộn, chương trình thiếu thực tế khiến phụ huynh e ngại khi đăng ký cho con tham gia.
Cho con trải nghiệm khóa học mùa hè là mục tiêu nhiều năm qua của chị Thanh Huyền (nhà ở số 265 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy). Tuy nhiên, năm nay, chị Huyền bối rối với “ma trận” trại hè. “Nếu các năm trước là trại hè quân đội thì năm nay "nở rộ" trại hè kỹ năng sống, tiếng Anh, nông trại… do cá nhân tổ chức khiến tôi hoang mang, phải nghiên cứu kỹ hơn”, chị Huyền chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, anh Lê Huy (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) cho biết, anh muốn cho con học trại hè kỹ năng sống. Tìm kiếm mãi, anh Huy ưng mô hình quảng cáo trên một tài khoản Facebook với hình ảnh trẻ em về quê bắt cá, trồng rau... Tuy nhiên, khi trao đổi, anh Huy cảm nhận các hoạt động sơ sài, không sáng tạo, không đủ an toàn, nên anh quyết định dừng, thay vào đó tổ chức cho gia đình đi du lịch.
Cũng từng cho con đi trại hè Singapore năm ngoái, chị Lê Ánh Mai (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho hay, thực chất việc tham gia chương trình là đi du lịch, tham quan địa danh chứ việc nâng cao khả năng tiếng Anh của con là rất ít. Do đó, khi bỏ ra hơn 70 triệu đồng để tham gia trại hè nước ngoài thật sự phải cân nhắc.
Đặc biệt, mấy ngày qua, dư luận xôn xao khi một bà mẹ ở Hà Nội đăng tải hình ảnh con trai chị đi khóa tu mùa hè tại Hà Nội nhưng bị bạn bè đánh vào đầu và tay phải nhập viện, bị dọa bắt quỳ 2 giờ nếu mách bố mẹ, chân tay đầy nốt muỗi cắn… Đây là một trong những điều không như mong đợi của trại hè đã nảy sinh trong thực tế mà phụ huynh cần thận trọng khi lựa chọn mô hình hoạt động trong dịp hè cho con em mình.
Sẽ tăng cường thanh, kiểm tra
Chia sẻ về thực trạng trại hè hiện nay, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Á châu Việt Nam Nguyễn Thu Huyền cho rằng, nhiều chương trình đang thiếu các hoạt động trang bị cho trẻ kỹ năng an toàn. Nhiều đơn vị tiết kiệm chi phí, chưa chú trọng chất lượng giảng viên, còn biểu hiện thiếu kinh nghiệm. Bà Huyền cho rằng, phụ huynh cần là những nhà thông thái, lựa chọn đơn vị tổ chức trại hè chuyên nghiệp, có kinh nghiệm để giúp con có trải nghiệm hè đúng nghĩa.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, phụ huynh nên quan tâm đến nguyện vọng, sở thích của con em mình, từ đó tìm các hoạt động hè phù hợp, đặc biệt phải an toàn cho con trẻ và cần lựa chọn đơn vị tổ chức có uy tín, thương hiệu.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga thông tin, hoạt động ngoại khóa, trong đó có trại hè nhằm giáo dục kỹ năng sống là rất tốt cho trẻ em; nhưng việc bảo đảm quyền trẻ em khi tham gia các chương trình này vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Thực tế, Cục Trẻ em đã khảo sát và phát hiện vẫn còn một số nơi tổ chức trại hè chưa bảo đảm về cơ sở vật chất, chương trình, mức độ an toàn, quyền riêng tư của trẻ chưa được đề cao. Do đó, phụ huynh cần nghiên cứu kỹ chương trình, kiểm tra việc ăn uống, nơi ở cho phù hợp với sở thích, nguyện vọng, giới tính và an toàn cho các con.
Bà Nguyễn Thị Nga cũng cho biết, ngày 28-12-2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 27/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Trong đó, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cá nhân và gia đình bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, kỳ thị với trẻ trong các khóa học, trong đó có trại hè. Địa điểm trẻ em tham gia hoạt động phải an toàn, thân thiện, phù hợp với lứa tuổi, giới tính; phòng nghỉ, khu vực vệ sinh cá nhân phù hợp; bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, trẻ em có quyền hủy bỏ việc tham gia nếu thấy hoạt động này không đáp ứng hoặc không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng. Các cơ quan, đơn vị khi tổ chức các hoạt động này phải công khai chương trình, thời gian, thời lượng, địa điểm, kinh phí, nhân lực. Đồng thời, đề nghị UBND các cấp tăng cường thanh, kiểm tra các đơn vị tổ chức hoạt động ngoài gia đình, nhà trường.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, hiện chưa ghi nhận trường hợp vi phạm quy định quyền trẻ em về tổ chức trại hè và cơ quan chức năng cũng chưa xử phạt trường hợp nào thực hiện sai quy định tại Thông tư số 27/2022/TT-BLĐTBXH. Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nếu phát hiện cơ sở vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.