Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm vì sự phát triển cộng đồng

Quỳnh Anh| 21/08/2012 06:31

(HNM) - Hiện Hà Nội có gần 90.000 người khuyết tật (chiếm khoảng 1,4% số dân của TP), trong đó số người có trình độ CĐ, ĐH chỉ chiếm 1,56%, trung cấp 0,88%, tốt nghiệp PTTH 6,05%. Số người mù chữ chiếm tới 33,34%.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, 38 tuổi, là người khuyết tật, ở xã Dị Nậu, huyệt Thạch Thất, Hà Nội cho biết, có nghe mọi người nói người khuyết tật được hưởng một số chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng cụ thể được hưởng như thế nào thì không được biết. "Tôi bị khuyết tật ở tay, nói khó nên chỉ quanh quẩn ở nhà, ít giao tiếp với bên ngoài. Cũng biết là Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi nhưng không có điều kiện để tìm hiểu những ưu đãi đó như thế nào". Em Nguyễn Thủy, đang làm việc ở Trung tâm Nhân đạo Minh Tâm cho biết: "Em có nghe nói, người khuyết tật được ưu đãi trong học nghề và tạo việc làm nhưng cụ thể chế độ ưu đãi như thế nào thì em cũng không biết"…

Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật tiếp cận với những quyền lợi của mình, tháng 12-2011, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng trực thuộc Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á được thành lập. Trung tâm có 4 luật sư đến từ Văn phòng Luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Ngoài đội ngũ này, trung tâm còn có mạng lưới các luật sư và sinh viên luật là cộng tác viên. Trung tâm cộng tác với Trung tâm Thực hành nghề luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội để phối hợp triển khai một số hoạt động phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật. Sau hơn 7 tháng hoạt động, trung tâm đã trợ giúp pháp lý miễn phí cho hàng trăm người khuyết tật.

Chị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng cho biết, hầu hết những vấn đề người khuyết tật yêu cầu trợ giúp pháp lý xoay quanh chế độ bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật, về trình tự, thủ tục, hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội; việc xác định tình trạng khuyết tật; về các vấn đề liên quan đến quyền của người khuyết tật; việc làm; bảo hiểm lao động; mẹ đơn thân; đất đai… "Trung tâm tư vấn miễn phí qua các hình thức: Tư vấn trực tiếp tại văn phòng, tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua email, tư vấn qua đường thư tay và tư vấn qua bản tin của trung tâm. Thông qua các buổi tư vấn, người khuyết tật đã giải quyết được những vấn đề mà mình gặp phải liên quan tới pháp luật. Họ tin tưởng, tự tin hơn trong cuộc sống", chị Ngọc Lan cho biết.

Với những gì đã và đang làm, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng không chỉ góp phần vào việc tuyên truyền và quảng bá các chính sách pháp luật dành cho người khuyết tật mà còn mang đến cho người khuyết tật cơ hội được tư vấn, giải đáp những vấn đề thiết thực nhất .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm vì sự phát triển cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.