(HNM) - Kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn (28-7) năm nay cũng là dịp tổ chức Công đoàn cả nước đánh giá kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành TƯ Đảng (khóa X)...
Tất cả cùng vào cuộc
Công ty TNHH Sông Công, đơn vị có tổ chức Công đoàn hoạt động tốt, luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Ảnh: Bá Hoạt
Trao đổi với lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc tiếp tục xây dựng GCCN nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước không chỉ là nhiệm vụ của các cấp công đoàn (CĐ), mà còn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội. Bởi vậy, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, đoàn thể, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong tất cả các loại hình DN. Các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần bám sát nội dung, mục tiêu, giải pháp nghị quyết đề ra và phải cụ thể hóa thành các đề án, chương trình hành động cụ thể. Tổng LĐLĐ Việt Nam, CĐ các cấp phải đóng vai trò nòng cốt, tham mưu, xây dựng chính sách để đưa nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, chăm lo tốt hơn cho đời sống CNVC-LĐ.
Trên thực tế, ngay sau khi có Nghị quyết 20, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn quán triệt sâu rộng tinh thần, nội dung nghị quyết; phối hợp với các bộ, ngành lồng ghép nội dung nghị quyết với các cuộc vận động, tiêu biểu là cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đồng thời phát động Tháng công nhân (tháng 5) và thường xuyên triển khai các phong trào thi đua, xây dựng đơn vị văn hóa, chủ động nghiên cứu, tham gia sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi NLĐ. Các cấp CĐ tham mưu, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết, định kỳ sơ kết, đánh giá và điều chỉnh một số chỉ tiêu trong chương trình cho phù hợp từng địa phương, đơn vị. Đến hết năm 2010, cả nước thành lập mới hơn 12.300 CĐ cơ sở, kết nạp mới hơn 1,863 triệu đoàn viên (chỉ tiêu Nghị quyết 20 là 1,5 triệu đoàn viên). Xây dựng được 6 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ, riêng năm 2010 cả nước mở được 5.900 lớp đào tạo nghiệp vụ CĐ cho gần 370 nghìn lượt cán bộ CĐ. Đặc biệt, CĐ đã triển khai được công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ, bố trí cán bộ CĐ chuyên trách ở các KCN, KCX, các DN ngoài nhà nước. Số CNLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước được kết nạp Đảng tăng 4,8%; giải quyết chỗ ở cho 27.000 CNLĐ...
Nhiều bất cập cần khắc phục
Trong những yếu kém, tồn tại, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng, từ nhận thức chưa đầy đủ, các cấp ủy đảng, chính quyền, CĐ chưa tích cực thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 20, mới chỉ quan tâm tới khu vực kinh tế nhà nước mà chưa thực sự quan tâm đến khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Thực tế còn tồn tại rất nhiều bức xúc xung quanh vấn đề việc làm, nhà ở, tiền lương, thu nhập, BHXH, nơi sinh hoạt văn hóa, cơ sở nuôi dạy trẻ... đối với NLĐ. Đặc biệt, nhà ở cho CNLĐ mới chỉ đạt 5-7% nhu cầu, trong khi đó tiền lương của CNLĐ còn quá thấp (bình quân 1,5-2 triệu đồng/người/tháng). Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc đình công tranh chấp lao động, diễn biến phức tạp, riêng 6 tháng đầu năm nay cả nước có hơn 400 cuộc, trong đó trên 60% ở DN FDI, nguyên nhân chủ yếu do lương thấp, đời sống khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Trần Văn Thực cũng thẳng thắn thừa nhận hiệu quả hoạt động CĐ trên địa bàn Thủ đô chưa cao. Công tác kiểm tra, đôn đốc phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, số DN tổ chức phát động thi đua tỷ lệ thấp, CĐ cơ sở chưa quan tâm phát triển đoàn viên, đặc biệt chất lượng hoạt động của CĐ cơ sở ngoài nhà nước còn yếu...
Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X diễn ra ngày 12-7 vừa qua đã đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ. Bà Phan Thị Hạnh Nguyên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Thọ đề xuất, CĐ cần giảm thời gian hội họp để đến với CNLĐ; thời gian họp ở hội trường chỉ dành để thảo luận, tìm giải pháp. Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch LĐLĐ Đà Nẵng kiến nghị, phải có chế tài buộc người sử dụng lao động đưa các khoản phụ cấp vào lương và đóng BHXH cho họ theo mức đó, để đỡ thiệt thòi cho NLĐ.
Trong số 12 vấn đề lớn được Tổng LĐLĐ Việt Nam trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đều đề nghị có thêm cơ chế, chế tài đối với việc thực hiện chế độ, chính sách về tiền lương, thu nhập, bảo hiểm, nhà ở cho CNVCLĐ và thực hiện xã hội hóa công tác chăm lo cho CNLĐ đi đôi với đó là chính sách quản lý, bình ổn giá...
Để Nghị quyết 20 thực sự đi vào cuộc sống, đòi hỏi trách nhiệm chung của cấp ủy đảng, các bộ, ngành, tổ chức xã hội và cả hệ thống chính trị, trong đó CĐ đóng vai trò nòng cốt. Song bên cạnh đó không thể thiếu sự nỗ lực của chính đội ngũ CNLĐ với tinh thần rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, nỗ lực phấn đấu, thi đua đạt thành tích cao trong lao động, sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng, xây dựng GCCN ngày càng lớn mạnh, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.