Khoảng 8h sáng 23-8, ngồi uống nước trước cổng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để đợi người nhà, thấy một cháu gái nhỏ đeo một giỏ hàng tạp hóa nặng đi đi lại lại hồi lâu mà không bán được thứ gì, tôi bèn gọi:
- Cháu lại đây, chú mua gói bông tăm.
- Dạ, thưa chú, gói bông tăm giá 5.000 đồng ạ!
Mời cháu bé ngồi uống nước, trong câu chuyện, tôi được biết tên cháu là Hạnh, quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Tranh thủ thời gian nghỉ hè, cháu theo mấy anh chị lớn tuổi lên Hà Nội bán hàng để kiếm tiền phụ thêm cho mẹ chữa bệnh...
- Sắp vào năm học mới, sao cháu vẫn chưa về để đi học?
- Dạ, cháu cố gắng bán đến sát ngày khai giảng mới về...
- Mỗi ngày cháu bán được bao nhiêu tiền?
- Cũng tùy chú ạ! Có ngày được 50.000 đồng, ngày may mắn thì được nhiều hơn. Cuối tháng kiếm được bao nhiêu tiền là cháu lại gửi về cho mẹ. Mẹ cháu cũng không cho cháu ra Hà Nội bán hàng nhưng cháu cứ đi...
Nghe bé Hạnh nói chuyện hồn nhiên, vô tư, tôi không cầm lòng được, mua thêm mấy quyển sách cẩm nang chữa bệnh. Chưa kịp uống hết cốc trà đá, có đứa bé cùng hội gọi nên Hạnh vội vã cảm ơn tôi và quàng nhanh giỏ hàng vào cổ chạy theo...
Trong câu chuyện gửi Người Xây Dựng, anh Nguyễn Kiên Thái ở phường Ngô Quyền (Hà Đông) chia sẻ: Hiện nay có rất nhiều trẻ em do hoàn cảnh khó khăn, phải tranh thủ lúc nghỉ học đi đến những nơi xa để bán hàng rong, kiếm tiền lo thêm cho gia đình. Trong lúc xã hội còn nhiều phức tạp, rủi ro, việc sớm phải lăn lộn kiếm sống của các em là đáng trân trọng, song cũng cho thấy các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể liên quan ở địa phương còn thiếu quan tâm. Để diễn ra tình trạng này, thiết nghĩ trách nhiệm của người lớn cũng không nhỏ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.