(HNM) - Gần đây xuất hiện hiện tượng người dân tự ý tấn công hoặc có những hành vi vượt quá khuôn khổ pháp luật quy định, gây bất ổn về an ninh trật tự và cần được chấn chỉnh ngay.
Vừa qua, tại một số địa phương, bức xúc trước nạn trộm chó gia tăng, nhiều vụ việc "được" người dân xử lý đã vượt quá giới hạn pháp luật cho phép, trở thành những vụ gây rối lớn, thậm chí có tính chất "cố ý gây thương tích" hay "giết người". Điển hình như vụ việc xảy ra ngày 27-8 tại thôn Danh Thượng (xã Danh Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang), khi phát hiện 2 nghi phạm trộm chó, hàng trăm người đã vây đánh làm 2 nghi phạm tử vong. Trước đó, ngày 10-6, người dân xã Tân Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) cũng đổ ra vây bắt, tấn công 2 nghi phạm trộm chó làm 1 đối tượng tử vong. Ngoài ra, nhiều vụ ẩu đả, tụ tập gây rối khác có tính chất, quy mô nghiêm trọng cũng đã liên tục xảy ra trong thời gian qua, liên quan đến các mâu thuẫn đất đai, bức xúc về môi trường, va chạm trong sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, va chạm giao thông...
Ngày 10-6, tại xã Tân Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) người dân địa phương vây đánh 2 kẻ trộm chó khiến 1 người tử vong. |
Vì đâu mà những vụ việc có tính chất tự ý "thực thi công lý" kiểu coi thường pháp luật như trên lại liên tục xảy ra? Nguyên nhân trước hết một phần là sự lơ là của chính quyền và lực lượng chức năng cơ sở khi để cho những hiện tượng mất ANTT kéo dài, những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân âm ỉ nhưng chậm giải quyết. Như trong những vụ "đánh trộm chó", người dân phản ánh bức xúc vì nạn trộm cắp hoành hành kéo dài không được ngăn chặn, tội phạm có biểu hiện lộng hành nên khi phát hiện kẻ trộm người dân bị kích động, tham gia vào việc đánh người. Nhiều vụ mâu thuẫn tranh chấp đất đai, bức xúc vì môi trường sống bị đe dọa kéo dài nhiều năm nhưng chính quyền không can thiệp, giải quyết dứt điểm… Mặt khác, nhận thức, hiểu biết pháp luật của một số người dân còn hạn chế nên đã hành xử theo kiểu tự phát. Trong nhiều vụ việc đánh chết hoặc gây thương tích cho đối tượng phạm pháp quả tang, nhiều người cho rằng đó là "quyền" của "nạn nhân", "quyền" của người phát hiện, bắt giữ. Họ không nắm rõ hoặc bị kích động nên sẵn sàng bỏ qua quy định của pháp luật về quy trình bắt giữ, dẫn giải đến cơ quan CA. Trong nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, thay vì trình báo chính quyền, CA địa phương, hai bên sẵn sàng xông vào ẩu đả...
Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhân dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng hàng chục triệu nguồn tin có liên quan đến công tác ANTT; giúp đỡ lực lượng chức năng bắt giữ và vận động hàng chục nghìn đối tượng vi phạm pháp luật, đối tượng truy nã, trốn thi hành án ra tự thú. Những mô hình, điển hình tiên tiến đã phát huy được vai trò làm chủ, tính tích cực của nhân dân trong phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật và đem lại hiệu quả là những mô hình có sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền, cơ quan CA. Những hành động tự phát, bất chấp pháp luật không những không đem lại hiệu quả trong phòng chống tội phạm mà còn làm tình hình TTATXH trở nên bất ổn, lâu dài có thể gây nên những hậu quả khó lường về quản lý nhà nước trên lĩnh vực ANTT.
Để không còn tồn tại những hiện tượng người dân "bỏ qua" vai trò của cơ quan chức năng, xem nhẹ luật pháp, tự ý "xử" tội phạm, giải quyết mâu thuẫn theo kiểu côn đồ… vai trò và nhiệm vụ chính thuộc về chính quyền và CA cơ sở. Chỉ có sự gần gũi, nắm rõ tâm tư của người dân, tăng cường tuyên truyền pháp luật, sớm phát hiện những vấn đề bức xúc và giải quyết có trách nhiệm, chính quyền và cơ quan chức năng cơ sở mới có thể ngăn ngừa những vụ việc có tính chất tự phát, vi phạm pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.