(HNM) - Từ Chính phủ cho tới các bộ, ngành, các doanh nghiệp đã vào cuộc với tinh thần và quyết tâm cao nhất nhằm giải cứu nhanh nhất người lao động Việt Nam tại Libya.
Đến ngày 6-3, những lao động Việt Nam cuối cùng đã rời khỏi đất nước đang chìm trong bạo loạn một cách an toàn. Đây là một việc làm chưa từng có, khẳng định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với công dân Việt Nam.
Thời điểm trước khi xảy ra bạo loạn ở Libya, Việt Nam có hơn 10.300 người đang làm việc ở đây. Ngoài ra, tại Oman, Bahrain cũng có hơn 1.000 người. Sự bất ổn chính trị tại một số nước Trung Đông và Bắc Phi không những phá vỡ kế hoạch xuất khẩu lao động mà còn khiến hàng chục nghìn người lao động của Việt Nam và nhiều nước khác phải về nước. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định: Đây là sự việc bất khả kháng. Chắc chắn doanh nghiệp và người lao động sẽ bị thiệt thòi.
Ngay từ ngày 18-2, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ dừng đưa lao động sang Libya. Đối với những lao động đang làm việc tại đây, các doanh nghiệp phải rà soát và bảo đảm an toàn cho họ. Ngay lập tức, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Libya và các doanh nghiệp có lao động đang làm việc tại Libya đã phối hợp với các chủ sử dụng lao động yêu cầu người lao động ở trong trại hoặc sơ tán đến nơi an toàn và cấp đủ lương thực, thực phẩm cho họ. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp như chỉ đạo các cán bộ đại diện tại Libya theo dõi sát tình hình, nếu có ảnh hưởng đến tính mạng, công việc, thu nhập của lao động Việt Nam phải báo cáo kịp thời với Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý.
Ngày 23-2, Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi đã được thành lập, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban. Với những biện pháp quyết liệt, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các phương án đưa người lao động về nước. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Hãng Hàng không quốc gia; phối hợp với các tổ chức quốc tế như IOM, Trăng lưỡi liềm đỏ và các nước lân cận Libya... triển khai các giải pháp bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người lao động cũng như các phương án đưa lao động về nước. Chỉ trong vòng 2 ngày, hơn 7.000 lao động ở Libya đã được sơ tán sang nước thứ 3 an toàn. Và đến ngày 26-2, 181 lao động đầu tiên đã trở về Việt Nam bằng đường hàng không. Rồi những chuyến chuyên cơ liên tiếp chở 5 đoàn công tác đặc biệt mang theo hàng chục tấn lương thực, thực phẩm đến tận nơi hỗ trợ và đón người lao động trở về Việt Nam an toàn.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó ban Chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi đã nhấn mạnh: Con người là quan trọng nhất, ưu tiên hàng đầu là đưa người lao động ra khỏi vùng nguy hiểm. Thậm chí, trong trường hợp khẩn cấp có thể thuê chuyên cơ nước ngoài, thuê máy bay quân sự để đưa bằng được lao động ra khỏi thành phố Tripoli (thủ đô của Libya) đến nơi an toàn. Đối với những lao động về nước, trước mắt Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu lao động hỗ trợ 1 triệu đồng/người làm lộ phí về quê. Những người bị mất hộ chiếu và những giấy tờ tùy thân, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao cũng tạo điều kiện nhanh nhất để họ có thể rời khỏi Libya.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho rằng: Từ Chính phủ cho tới các bộ, ngành, các DN đã vào cuộc với tinh thần và quyết tâm cao nhất nhằm giải cứu nhanh nhất và an toàn tất cả người lao động Việt Nam tại Libya. Tính đến ngày 6-3, toàn bộ lao động Việt Nam đã ra khỏi Libya an toàn và đang thu xếp để có thể về nước sớm nhất. Ông Nguyễn Lương Trào cũng cho biết thêm, Chính phủ đã tổ chức 10 chuyến bay và cả tàu thủy để đưa lao động về. Ngay cả ở những điểm khó khăn nhất, đại diện của doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế được đặt vấn đề hỗ trợ như IOM (Tổ chức Di cư quốc tế), Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, đại diện cơ quan lao động hoặc đại sứ quán cũng có mặt để chăm lo cho NLĐ. Nhờ vậy, lao động Việt Nam đã ra khỏi Libya sớm nhất so với các nước có lao động làm việc tại đây.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 15 ngày, hơn 10.300 lao động Việt Nam đã ra khỏi vùng nguy hiểm một cách an toàn. Và để hỗ trợ người lao động một cách tối đa khi về nước, ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Trước mắt, Cục sẽ có công văn chỉ đạo các doanh nghiệp nhanh chóng thanh lý hợp đồng lao động, hỗ trợ người lao động sau 2 tuần về nước. Nếu ai có nhu cầu XKLĐ trở lại, doanh nghiệp tiếp tục bồi dưỡng kiến thức, tay nghề để đi làm việc tại nước khác. Đối với các ngân hàng đã cho người lao động vay tiền XKLĐ, Cục sẽ có công văn đề nghị cho người lao động được khoanh nợ, được tiếp tục vay tiền.
Toàn bộ lao động Việt Nam tại Libya đã ra khỏi vùng nguy hiểm và phần lớn đã về đến Việt Nam. Trong thời gian sớm nhất, họ sẽ được hỗ trợ để không bị thiệt thòi. Đó là lời hứa, nhưng cũng chính là trách nhiệm cũng như nỗ lực của Chính phủ, của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp với người lao động Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.