(HNM) - Tháng Tư, cả nước tưng bừng kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối. 15 gia đình liệt sĩ ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa có thêm niềm vui mới, khi
Sau bao nhiêu năm day dứt, lặn lội, tìm kiếm hài cốt những anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, được sự giúp đỡ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, giờ đây họ đã đưa được các anh về nơi chôn nhau cắt rốn...
Trao trả kết quả giám định ADN cho đại diện 15 gia đình liệt sĩ.
Ngày đến nhận kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ từ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, ông Đặng Đình Kỳ, quê ở xã Trực Cát, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định vô cùng xúc động. Vậy là sau bao năm tìm kiếm, lặn lội qua hàng trăm địa danh, tâm nguyện đưa người anh trai -liệt sĩ Đặng Văn Hiếu trở về quê hương đã trở thành hiện thực. Anh trai ông Kỳ hy sinh tháng 9-1972 tại mặt trận phía Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đã nhiều lần vào Nam tìm mộ anh nhưng không có kết quả. Tháng 10-2011, ông nhận được thông tin phần mộ của liệt sĩ Đặng Văn Hiếu được quy tập ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. "Ở nghĩa trang có 22 ngôi mộ không tên nên gia đình tôi không khỏi băn khoăn. Được sự giúp đỡ của anh Tâm - đồng đội anh Hiếu, gia đình tôi đã tiến hành khai quật ngôi mộ, rồi lấy mẫu hài cốt gửi cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam mang đi xét nghiệm ADN. Thật mừng kết quả xét nghiệm là đúng. Vậy là anh tôi đã được trả lại tên", ông Kỳ tâm sự.
6h sáng, ông Trịnh Thanh Liêm - anh trai liệt sĩ Trịnh Thiên Đảm, quê ở xã Hồng Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cùng 12 người trong gia đình đã có mặt tại hội trường 1B đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội. Trong số những liệt sĩ xác định được danh tính nhờ giám định ADN đợt này có em trai ông. Ông nói, cả đêm qua không sao chợp mắt nổi, chỉ mong trời mau mau sáng để kịp lên Hà Nội đón em về. Mấy chục năm đi tìm em trong vô vọng, nhưng ông không nản. "Tôi đã tự hứa với lòng mình bằng mọi giá phải tìm được em đưa về nơi chôn nhau cắt rốn. Ngày nào chưa tìm được phần mộ của em là ngày đó tôi còn day dứt không yên", ông Liêm tâm sự. Tháng 9-2010, ông nhận được tin về phần mộ liệt sĩ Trịnh Thiên Đảm nên đã tức tốc lên đường tìm kiếm. Được sự giúp đỡ của đồng đội liệt sĩ Đảm, ông đã xác định được gần như chính xác phần mộ của người em trai. Thế nhưng chi phí đem mẫu hài cốt đi xét nghiệm ADN quá lớn với gia đình ông, từ 10-12 triệu đồng. "Thật may mắn, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí xét nghiệm ADN mẫu hài cốt cho gia đình tôi", ông Liêm phấn khởi.
Buổi trao giấy chứng nhận kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam diễn ra trong không khí trang trọng và vô cùng xúc động với sự tham gia của lãnh đạo nhiều cơ quan chức năng có liên quan và đại diện các thân nhân liệt sĩ. Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết, trong đợt này Hội nhận về 16 mẫu hài cốt liệt sĩ, trong đó có 15 trường hợp giám định đạt kết quả đúng. Trong số 15 gia đình nhận giấy chứng nhận kết quả ADN, có 10 gia đình lấy được mẫu hài cốt liệt sĩ từ nghĩa trang Ấp Hòn Heo, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. "Đây là lần thứ 10 Hội tổ chức trao giấy chứng nhận kết quả giám định ADN từ mẫu hài cốt liệt sĩ. Tính từ tháng 3-2011 đến nay, Hội đã hỗ trợ được 143 gia đình liệt sĩ giám định ADN để trả lại tên cho các liệt sĩ, trong đó có 84 gia đình nhận được kết quả đúng", Trung tướng Lê Văn Hân cho biết.
Hầu hết những thành viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đều là cán bộ, công nhân viên quốc phòng đã nghỉ hưu, những cựu chiến binh và đều có thân nhân là liệt sĩ nên phần lớn họ hiểu được những nỗi đau, mất mát của các gia đình liệt sĩ. "Đi tìm mộ liệt sĩ là một quá trình bền bỉ, mất nhiều công sức và thời gian, đòi hỏi phải có sự tâm huyết như anh Quyết chẳng hạn", ông Nguyễn Hùng Phong, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam khẳng định. Anh Quyết mà ông Phong nhắc tới ở đây là cựu chiến binh Nguyễn Duy Quyết, người đã bỏ ra rất nhiều công sức vì đồng đội đã hy sinh, giúp các gia đình tìm được người thân của mình. "Tôi đi tìm hồ sơ lưu trữ của liệt sĩ trong từng đơn vị rồi lập sơ đồ định hình vị trí phần mộ. Chiến trường sau 40 năm giờ đây nhiều chỗ chỉ toàn là rừng rậm. Sau khi xác định rõ thông tin, tôi cùng một số anh em trong Đội K92 của Tỉnh đội Kiên Giang vào thẩm định lại đến khi nào chính xác mới báo về cho gia đình liệt sĩ", ông Quyết cho biết.
Trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hàng triệu người đã anh dũng hy sinh để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Giờ đây chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng vẫn còn hàng nghìn liệt sĩ chưa được qui tập, hàng trăm nghìn liệt sĩ đã được qui tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng lại yên nghỉ dưới những nấm mộ mang tên "liệt sĩ chưa biết tên". Đây là nỗi đau quá lớn không những của gia đình thân nhân các liệt sĩ mà còn là nỗi đau dai dẳng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Việc xác định ADN hài cốt liệt sĩ mà Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đang làm thật đáng trân trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.