Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trả lại công năng hè phố, lòng đường liệu có quá khó?

Minh Bắc| 12/03/2012 13:45

(HNMO) - Để chống ùn tắc giao thông trong thành phố thì việc giải tỏa lòng đường, vỉa hè khỏi các chướng ngại không đáng có trong các tuyến phố là rất quan trọng. Vì thế, UBND thành phố Hà Nội đã phải ra quyết định cấm trông giữ các phương tiện giao thông trên 262 tuyến phố chính của 9 quận nội thành kể từ ngày 15/2/2012. Đây là một việc làm đúng đắn và được dư luận hoan nghênh.


Hiện vẫn còn một số điểm trông giữ phương tiện trên vỉa hè thuộc thẩm quyền cấp phép của quận chưa hoàn thành việc thu hồi giấy phép còn hầu hết các đơn vị khác đã chấp hành quyết định này của Hà Nội. Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm chỉnh quyết định này của UBND thành phố Hà Nội để nó không tái phạm và tiến tới hoàn lại công năng cho tất cả các hè phố thì Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm.

Cấm mà vẫn khó?

Trước hết cần phải nói rằng đáng lý không cần phải có quyết định cấm này bởi đơn giản công năng sử dụng của hè phố không phải thiết kế dành cho đỗ xe, gửi xe. Chỉ cần có biển báo nơi nào các loại phương tiện tham gia giao thông được phép dừng, đỗ xe. Lâu nay, để hạn chế những khiếm khuyết về tầm nhìn trong quản lý quy hoạch, thiết kế, xây dựng đô thị nên hè phố đã bị lạm dụng cho những mục đích tiện lợi trước mắt cho một số người, từ đó tạo nên một thói quen xấu trong sinh hoạt đô thị của người Thủ đô. Vì thế, khi thực hiện lệnh cấm này không phải không có những bức xúc từ một bộ phận người dân nhất là đối với những hộ, người dân hoặc tổ chức, doanh nghiệp tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh dựa vào mặt phố. Với đặc điểm lượng xe máy tham gia giao thông lớn khi chưa có các phương tiện công cộng khác nên nhiều người dân phải vất vả tìm chỗ gửi xe, từ đó tiếp tay cho hoạt động giữ xe trái quy định, gây hiện tượng nâng giá gửi xe, cơ quan chức năng khó quản lý, gây thất thu thuế… Đây là một trong những vấn đề xảy ra trong thực tế mà UBND thành phố cần tính đến.

Không chỉ có người dân bức xúc mà ngay cả cơ quan quản lý như các quận cũng gặp không ít khó khăn trước quyết định cấm trông giữ phương tiện ở 262 tuyến phố. Cái khó của quận chủ yếu lại nằm ở nguồn thu ngân sách. Thí dụ, quận Hoàn Kiếm có tới 76 tuyến phố bị cấm trông giữ phương tiện nên các hộ kinh doanh, trung tâm thương mại… trên các tuyến phố này chắc sẽ bị ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách của quận. Bài toán bố trí trông giữ xe ở các tuyến phố buôn bán như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Lược, Lương Văn Can làm sao để người dân các nơi về buôn bán gửi xe quả đang rất khó đối với quận Hoàn Kiếm, ngay cả khi quận tổ chức được các điểm trông giữ xe mà ở xa khu vực buôn bán này. Còn ở quận Cầu Giấy thì người dân lại phản ánh một tình trạng khác khi toàn bộ xe ngoài đường lớn lại tràn vào ngõ gửi, gây ảnh hưởng đến người dân sống tại những khu vực này. Hoặc, nhiều người dân lại than phiền việc đứng ở tuyến phố cấm đón con tan học cũng có nguy cơ bị xử phạt đúng luật... Một việc nữa là đối với các địa điểm tham quan du lịch, tòa nhà công sở của các cơ quan Trung ương, Hà Nội cũng sẽ gặp những khó khăn khi nằm trên những tuyến phố cấm đỗ, gửi xe… Lòng đường, hè phố phải được sử dụng đúng công năng mục đích sử dụng của nó. Một số đô thị lớn ở những nước khác do yêu cầu phục vụ cho ngành du lịch, ngoại giao… nên người ta cũng cho phép một số phương tiện giao thông được đỗ tại những điểm nhất định. Nếu ai đỗ sai đều bị phạt rất nặng, bất kể đó là xe của ai.

Giải bài toán “giao thông tĩnh”

Như vậy để xử lý những bức xúc vướng mắc kể trên một cách toàn diện thì Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hà Nội cũng đã thấy rõ các vấn đề đó. Bởi vậy, trong các cuộc làm việc gần đây, đều thống nhất phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông tĩnh trên địa bàn Thủ đô và có chính sách ưu đãi trong đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe để sớm đưa vào phục vụ nhu cầu đỗ xe trên địa bàn. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đang rà soát việc thực hiện quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020 để triển khai các dự án theo đúng quy hoạch đồng thời cũng chấp thuận cho các nhà đầu tư triển khai các dự án bãi đỗ xe lắp ghép cao tầng tại các quận nội thành cũ. Trước mắt, việc cấm trông giữ phương tiện ở 262 tuyến phố UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận phải tiếp tục duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm chống tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, đồng thời rà soát tất cả các tuyến phố trên địa bàn (ngoài 262 tuyến đã cấm) để mở rộng các tuyến cấm đỗ dừng, để xe cũng như sắp xếp các điểm để xe phù hợp.

Đối với các điểm trông giữ xe mới phát sinh, các cơ quan chức năng TP yêu cầu các quận kiểm tra, giám sát, cấp phép và xử lý nghiêm các vi phạm trật tự đô thị, trông xe quá giá, thiếu thiết bị phòng chống cháy nổ. Đồng thời tổ chức ngay việc khảo sát các khu dân cư, khu đô thị, bãi đất trống có thể để xe báo cáo liên ngành cho phép triển khai theo hướng quận chủ động đầu tư, còn các ngành chủ động cải cách thủ tục hành chính để sớm phê duyệt dự án công trình cấp bách nhằm đẩy nhanh việc triển khai dự án, đáp ứng nhu cầu để xe của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trả lại công năng hè phố, lòng đường liệu có quá khó?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.