TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh: Yêu cầu rà soát cán bộ dùng chứng chỉ “Cambridge International”

Thanh Tàu 14/11/2024 18:44

Ngày 14-11, UBND thành phố Hồ Chí Minh thông tin, vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành thành phố; UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức về việc rà soát chứng chỉ ngoại ngữ, liên quan đến chứng chỉ mang tên “Cambridge International”.

456377.jpeg
Chứng chỉ Cambridge bị "nhái". Ảnh: CT

Theo văn bản này, UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn khẩn trương rà soát, xử lý nghiêm, không dung túng, bao che các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ mang tên “Cambridge International” cũng như các loại văn bằng, chứng chỉ khác không đúng quy định pháp luật và báo cáo kết quả xử lý về UBND thành phố thông qua Sở Nội vụ trước ngày 1-12-2024.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về quản lý và sử dụng văn bằng, chứng chỉ.

Đặc biệt, không tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch và không được sử dụng các văn bằng, chứng chỉ do các tổ chức, cá nhân thành lập, hoạt động không đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, kịp thời xem xét, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý khi phát hiện trường hợp tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch hoặc sử dụng các văn bằng, chứng chỉ do tổ chức, cá nhân không được pháp luật cho phép cấp.

Cũng trong văn bản chỉ đạo này, UBND thành phố yêu cầu, Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc và báo cáo UBND thành phố xem xét, xử lý đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm mà không kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục theo quy định.

Đồng thời, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra việc kê khai, sử dụng văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn thành phố theo quy định.

* Trước đó, tháng 6-2024, Phòng An ninh chính trị nội bộ và Phòng An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã kết thúc điều tra chuyển hồ sơ truy tố Lê Văn Vàng (sinh năm 1981), Lương Việt Anh (sinh năm 1987; cùng ngụ thành phố Hà Nội) và đồng bọn về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh giả mạo Cambridge International.

Theo điều tra, năm 2021, Vàng tự nghĩ ra tên tổ chức Cambridge International, với mục đích ban đầu để tổ chức các khóa học bồi dưỡng tiếng Anh, nhưng do dịch Covid-19 nên không triển khai thực hiện được.

Sau đó, nắm được nhu cầu của nhiều người trình độ tiếng Anh hạn chế nhưng lại đang cần có chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ, Vàng đã đề nghị liên kết với Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, do Lương Việt Anh làm Viện trưởng, tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ với danh nghĩa Cambridge International.

Cơ quan Công an làm việc với đối tượng Lê Văn Vàng. Ảnh CA.
Cơ quan Công an làm việc với đối tượng Lê Văn Vàng. Ảnh: CA

Các đối tượng quảng bá, đây là một tổ chức uy tín trên thế giới về đào tạo cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, để thu hút những người có nhu cầu cấp chứng chỉ, đăng ký và từ đó chiếm đoạt tiền. Để thực hiện, Vàng tự soạn thảo ra một tài liệu tiếng Anh có tiêu đề “LETTER OF ACCEPTANCE”, đề ngày 21-5-2021, được dịch ra tiếng Việt là “Thư chấp thuận” và tự ký tên là Max Mooney, đóng dấu tròn màu đỏ nội dung “CAMBRIDGE INTERNATIONAL CEFR”. Sau khi chuẩn bị xong tài liệu này, Lê Văn Vàng chuyển cho Lương Việt Anh bản dịch “Thư chấp thuận” để quảng cáo và tổ chức thi dưới hình thức online cho các thí sinh có nhu cầu lấy chứng chỉ, bắt đầu từ ngày 25-9-2022 cho đến khi bị phát hiện.

Các đối tượng đã mua lại 2 trang web: http://cambridgetest.online; http://cbriglobal.info, thuê tên miền và thuê người xây dựng chương trình thi online trên trang web với 4 kỹ năng kiểm tra đánh giá (chấm điểm tự động) năng lực ngoại ngữ, gồm: Nghe, nói, đọc, viết. Riêng kỹ năng nói, thí sinh ghi âm bài kiểm tra nói và gửi vào địa chỉ thư điện tử hocvalam7979@gmail.com do Lương Việt Anh tạo lập và sử dụng để chấm điểm, tương tự như giao diện thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS, để tạo sự tin tưởng của thí sinh. Lương Việt Anh cung cấp cho thí sinh dịch vụ tra cứu kết quả thi tại trang webhttp://cbriglobal.info.

Công an thành phố Hà Nội đã thu giữ 2 con dấu có tên Cambridge International, gồm 1 dấu nổi và 1 dấu mực thường cùng nhiều tài liệu (điện thoại, máy tính) liên quan đến hoạt động thi, cấp chứng chỉ Cambridge International. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, đã tổ chức thi cho các thí sinh vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần và đã cấp khoảng 4.200 chứng chỉ tiếng Anh mang tên Cambridge International, với giá từ 2,3 triệu đồng đến 18 triệu đồng/chứng chỉ (tuỳ từng loại).

Từ vụ việc trên, Công an thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Nội vụ có văn bản thông báo đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm tra, rà soát, phát hiện cán bộ, công chức, viên chức có hành vi kê khai sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ Cambridge International để xử lý theo quy định pháp luật. Ngay sau đó, Bộ Nội vụ đã có Công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Yêu cầu rà soát cán bộ dùng chứng chỉ “Cambridge International”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.