Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh: Tuổi trẻ tiếp nối truyền thống cách mạng qua Hội trại Tiếng mõ Nam Lân

Nhóm phóng viên 11/11/2023 - 16:28

Ngày 11-11, tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc Hội trại Tiếng mõ Nam Lân năm 2023 tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Ngã ba Giồng (huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh).

a204.jpg
Các bạn trẻ thành phố Hồ Chí Minh dự Hội trại Tiếng mõ Nam Lân lần thứ 5 năm 2023.

Hội trại Tiếng mõ Nam Lân lần thứ 5 năm 2023 do Thành đoàn, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh và UBND huyện Hóc Môn phối hợp tổ chức. 350 trại sinh đã dự sự kiện được tổ chức tại địa điểm ghi dấu nhiều chiến công cách mạng lẫy lừng của Nam Bộ và cả nước từ thời kỳ chống thực dân Pháp đến nay.

a200.jpg
Hơn 350 trại sinh tham dự hội trại.

Phát biểu khai mạc Hội trại, Đại tá Nguyễn Công Anh, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 10 năm triển khai, tổ chức Hội trại với sự nhiệt huyết của thanh niên thành phố, công tác chuẩn bị cho Hội trại được đầu tư, phối hợp giữa các đơn vị.

a203.jpg
Các bạn trẻ tham dự Hội trại dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trong những ngày diễn ra hội trại, các trại sinh từ 6 tiểu trại (Ngã ba Giồng, Bà Điểm, Xuân Thới Thượng, Tân Xuân, Xuân Thới Đôn, Trung Chánh) sẽ cùng nhau thực hiện nhiều phần việc có ý nghĩa, vừa ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, vừa thiết thực tiếp bước cha anh, góp phần xây dựng thành phố và đất nước ngày càng phát triển.

a197.jpg
Các đại biểu thăm hỏi, động viên các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Hóc Môn.

Ngay sau Lễ khai mạc, đoàn đại biểu Hội trại đã đến thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Sè (ngụ tại số 12/4 ấp 1, xã Xuân Thới Thượng); Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Nết (ngụ tại 11/5 tổ 4, ấp 2, xã Xuân Thới Sơn) và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Đặng (16/4A ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn).

a198.jpg
Ban Tổ chức trao tặng 20 phần quà cho các em học sinh vượt khó học tốt.

Cũng tại hội trại, Ban Tổ chức đã trao tặng 20 phần quà cho các em thiếu nhi học tốt vượt khó, trao tặng nguồn lực xây dựng ấp an toàn khu, xã nông thôn mới và trao tặng công trình “Đường cờ Tổ quốc qua địa chỉ đỏ”.

a199.jpg
Ban Tổ chức Hội trại trao tặng công trình Đường cờ Tổ quốc cho huyện Hóc Môn.

Di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Giồng (ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Huyện Hóc Môn được cả nước biết đến với cuộc khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu vào năm 1885 và Hóc Môn chính là nơi được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ bí mật để mở nhiều hội nghị quan trọng, chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước thời kỳ 1936-1939.

a205.png
Khu Tưởng niệm liệt sĩ Ngã ba Giồng tại huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, hội nghị lần thứ VI vào tháng 9-1939 được tổ chức tại nhà ông Trần Văn Hy ở xã Bà Điểm do đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư chủ trì đã quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam từ đấu tranh đòi ruộng đất, dân sinh, dân chủ, sang đấu tranh vũ trang giành chính quyền. Đặc biệt, hội nghị tổ chức tại nhà bà Nguyễn Thị Hương, một cơ sở của Đảng tại làng Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn từ ngày 21 đến 23-9-1940 để chuẩn bị ban hành lệnh khởi nghĩa.

a206.jpg
Tượng đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Giồng.

Lịch sử ghi nhận, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra khắp 18/21 tỉnh thành ở Nam Kỳ, là cuộc khởi nghĩa do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, có qui mô lớn ở Việt Nam kể từ khi Đảng ra đời và trước tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong đó, Hóc Môn là nơi phát khởi. Trận đánh chiếm dinh quận Hóc Môn đêm 22 rạng sáng 23-11-1940 là trọng tâm, do đồng chí Phạm Văn Sáng, Bí thư Quận ủy lãnh đạo.

Cuộc tấn công dinh quận Hóc Môn cùng với nhiều cuộc khởi nghĩa ở các địa phương khác trong đêm 22 rạng sáng 23-11-1940 tuy không giành được thắng lợi, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân về sự dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ cộng sản và sức mạnh vô biên của quần chúng yêu nước.

Sau cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng dã man. Tại huyện Hóc Môn, chúng dựng lên 3 trường bắn để tử hình các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước. Chính nơi đây, các đồng chí: Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; Võ Văn Tần, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành ủy Sài Gòn Chợ Lớn; Phạm Văn Sáng, Bí thư Quận ủy Hóc Môn; Đặng Công Bỉnh, Quận ủy viên; Nguyễn Hữu Tiến… đã anh dũng hy sinh. Trường bắn Ngã ba Giồng là nơi thực dân Pháp đã xử kín, xử lén nhiều chiến sĩ cách mạng.

a207.jpg
Quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Giồng nay là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Tuổi trẻ tiếp nối truyền thống cách mạng qua Hội trại Tiếng mõ Nam Lân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.