(HNM) - Trong 7 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu TP Hồ Chí Minh đạt 21,4 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nông sản và thực phẩm chế biến là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hơn 9%.
Để tiếp tục phát huy kết quả này, chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang tập trung tìm những giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn để đưa hàng nông sản, thực phẩm thâm nhập được vào các thị trường khó tính.
Những thách thức đối với hàng xuất khẩu
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, ngành chế biến lương thực - thực phẩm của thành phố thời gian qua tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước có số trường hợp nhận cảnh báo và bị trả hàng từ các nước châu Âu nhiều nhất. Tính riêng ngành thực phẩm, năm 2017 đã có 90 trường hợp, từ đầu năm 2018 đến nay là hơn 40 trường hợp bị cảnh báo từ thị trường này.
Theo bà Marieke Van Der Pijl - chuyên gia Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), các mặt hàng của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào châu Âu cũng như một số thị trường khác do vướng vào những quy định về an toàn thực phẩm. Các lỗi chủ yếu do dây chuyền lạnh bị đứt quãng trong quá trình vận chuyển, đóng gói chưa bảo đảm an toàn thực phẩm, vượt mức dư lượng kháng sinh theo tiêu chuẩn quy định.
Xuất khẩu thủy sản của TP Hồ Chí Minh tăng 24% trong 7 tháng năm 2018. |
Thực tế cho thấy, một khi gặp những cảnh báo thì các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ đòi hỏi khắt khe hơn với hàng Việt. Đơn cử như hệ thống chuỗi bán lẻ, siêu thị Auchan - một trong 4 tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, ngoài yêu cầu sản phẩm phải bảo đảm chất lượng của hiệp hội bán lẻ, nhà nhập khẩu châu Âu này còn đưa ra những tiêu chuẩn chung như ASC, BAP, Global GAP. Những nhà cung cấp đạt được tiêu chuẩn này thì sẽ được cung cấp hàng.
Bà Lê Thị Minh Trang - Giám đốc Chất lượng hệ thống chuỗi bán lẻ, siêu thị Auchan Việt Nam cho biết: “Chúng tôi mua hàng Việt Nam để kinh doanh trong hệ thống chuỗi bán lẻ ở 17 quốc gia của Auchan. Do tiêu chí khắt khe nên hiện nay chỉ một số mặt hàng thực phẩm được nhập khẩu từ Việt Nam như: Gạo, hạt tiêu, cà phê, các loại thủy sản đông lạnh.
Thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu là phải giữ được thuộc tính thiên nhiên trong sản phẩm. Một số nguyên liệu của Việt Nam không đạt do có dư lượng chất phụ gia, kháng sinh vượt ngưỡng, doanh nghiệp buộc phải nhập đơn hàng từ các nước khác và tái xuất. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food thừa nhận: “Tỷ trọng sản phẩm của công ty hiện chiếm 70% xuất khẩu, 30% cho nội địa. Tuy nhiên, chúng tôi mới chỉ gia công tái xuất, hầu hết nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài và tái xuất lại cho các thị trường”.
Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp
Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu tại TP Hồ Chí Minh nhận được nhiều lợi thế, điều kiện thuận lợi xuất khẩu hàng hóa. Về mặt chính sách, Nhà nước đang khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất và xuất khẩu, phát huy lợi thế những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh; đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường; tăng tỷ trọng nông sản chế biến, giảm tỷ trọng nông sản xuất khẩu thô.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua thành phố tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Các chương trình điển hình như “Tuần lễ hàng Việt Nam xuất khẩu tháng 7-2018” với sự tham gia của 50 doanh nghiệp cùng 150 sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm, gia dụng, thu hút hơn 1.000 lượt khách tham quan, thúc đẩy giao thương. UBND TP Hồ Chí Minh cũng hợp tác cùng Bộ Công Thương tổ chức tập huấn cho 300 doanh nghiệp xuất khẩu đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài...
Để tạo thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp, hệ thống “Đối thoại doanh nghiệp - chính quyền thành phố” được mở ra thời gian qua đã trả lời 40 câu hỏi với các nội dung liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan, đầu tư. Cổng thông tin điện tử thương mại và đầu tư (MIS) đã cập nhật 82 tin tiếng Việt, 150 tin tiếng Anh về ngành hàng, thị trường xuất khẩu, các thông tin về dự án và môi trường đầu tư. Ngoài ra là tập trung hỗ trợ, gắn kết các doanh nghiệp cùng phát triển...
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực và thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Để đẩy mạnh xuất khẩu chúng ta phải xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định, duy trì lượng hàng sản xuất đáp ứng nhu cầu nhà nhập khẩu. Cùng với đó, doanh nghiệp phải áp dụng hệ thống quản lý như quản lý từ xa, theo dõi quá trình phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ cho nông dân kỹ thuật trồng và canh tác”.
Theo dự báo, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có khả năng sẽ được thông qua vào cuối năm 2018. EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nhưng sẽ ảnh hưởng đến một số ngành, mặt hàng như chăn nuôi, sản phẩm gia súc, gia cầm, sữa.
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia có công nghệ sản xuất, kinh doanh cũng như chất lượng sản phẩm cao hơn. Do đó, thời gian tới doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm, thiết kế, cải tiến hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin để thâm nhập vào các thị trường khó tính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.