(HNM) - Trong bối cảnh hạ tầng giao thông đô thị quá tải, đặc biệt là khu trung tâm của TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia quy hoạch không gian đô thị cho rằng, cần tổ chức sắp xếp lại từng khu vực dân cư gắn liền với các trục giao thông trọng điểm.
Ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân. |
Khu dân cư gắn với hạ tầng giao thông
Theo thống kê từ Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 8 triệu phương tiện (gồm mô tô và ô tô). Bình quân trong giai đoạn 2010-2016, tỷ lệ tăng trưởng phương tiện hằng năm là 8,4%. Tổng diện tích mặt đường thành phố hơn 37 triệu mét vuông, vỉa hè hơn 15 triệu mét vuông. Theo quy chuẩn chung, diện tích dành cho giao thông cần 200 đến 240 triệu mét vuông, tức gấp từ 4 đến 5 lần so với thực tế hiện nay. Tổng các tuyến đường trên địa bàn thành phố dài hơn 4.100km. Trong đó, chỉ có hơn 1.700km đường có mặt cắt ngang trên 7m (phù hợp cho ô tô, xe buýt), còn lại chỉ phù hợp cho xe hai bánh (chiếm tỷ lệ gần 60%). Có thể thấy, diện tích dành cho giao thông rất thấp, trong khi lượng phương tiện áp đảo. Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, nhất là khu trung tâm thành phố mọc lên ngày càng nhiều cao ốc, đã gây áp lực lớn lên hạ tầng, không gian đô thị.
Từ thực trạng trên, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cho rằng, không gian đô thị thành phố có cấu trúc không bình thường, nhìn khái quát mặt bằng thành phố sẽ thấy nó có hình lát bánh tét. Trong đó, vùng nhân bánh là khu vực quận 1, 3, 5 và 10. Còn lại, phần lớn diện tích khu vực các quận nội và ngoại thành được phát triển tự phát. Cấu trúc các khu vực đô thị thiếu quy hoạch này chủ yếu là đường hẻm và nhà phố dạng ống. Đây là nguyên nhân cơ bản của vấn nạn đô thị và ùn tắc giao thông.
“TP Hồ Chí Minh không giống bất cứ thành phố nào trên thế giới hiện nay. Cấu trúc không gian dàn trải, hệ thống giao thông không đồng bộ, không đủ kilômét đường giao thông cần thiết... Do đó, việc “vun” dân vào những nơi có điều kiện giao thông tốt nhất là chìa khóa mở nút thắt. Theo đó, mỗi trung tâm là một khu ở hoàn chỉnh về hạ tầng xã hội và được nối kết với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng khối lớn và các trục đường chính đô thị. Đối với các khu đô thị cũ không đủ tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị, cần có kế hoạch từng bước cải tạo, nâng cấp và theo đúng nguyên tắc hạ tầng đi trước”, TS.KTS Cương phân tích.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cần phân bố dân cư dọc các trục giao thông chính để chỉnh trang đô thị theo hướng phát triển bền vững và chống ùn tắc giao thông. Chẳng hạn, tại mỗi ga của tuyến đường sắt đô thị (còn gọi là Metro), cần xây một khu dân cư tập trung đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Tuyến Metro có vai trò như cầu nối, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực và đưa người ở những khu vực khác đến làm việc, học tập. “Kinh nghiệm phát triển đô thị ở nhiều thành phố trên thế giới cho thấy, đây là phương thức phát triển đô thị bền vững, bởi gắn kết trong đô thị là hệ thống vận tải hành khách công cộng", PGS.TS Hòa cho biết.
Muốn "kéo" dân cần "mở" cơ chế
Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư tìm mọi cách để được xây dựng cao ốc trong nội thành, gây quá tải về hạ tầng không gian đô thị, TS Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố nên ban hành hoặc đề xuất Chính phủ ban hành nhiều cơ chế ưu đãi đối với các nhà đầu tư tham gia phát triển các khu đô thị vệ tinh hoặc đô thị nằm ở khu vực đầu mối các trục giao thông lớn như nhà ga Metro, BRT… Theo TS Trần Du Lịch, cơ chế ưu đãi này phải hấp dẫn đến mức các nhà đầu tư sẵn sàng chuyển đầu tư ở khu vực nội thành, đặc biệt là khu trung tâm ra đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh hoặc khu dân cư mới gắn liền với các tuyến giao thông. Bởi khi giao thông thuận tiện sẽ “kéo” người dân giãn ra.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, các sở, ngành, địa phương của thành phố cần thực hiện quy hoạch một cách bài bản, đồng bộ thì mới phát triển bền vững. Trong khi đó, lâu nay thành phố chỉ mới xây dựng các công trình bên trên mà chưa lo đến công trình bên dưới mang tính kết nối thì chưa thể phát triển bền vững được. “Phát triển các khu đô thị mới đồng bộ theo quy hoạch được duyệt, cùng với các giải pháp của ngành Giao thông, sẽ kéo giãn dân, làm giảm nguy cơ ùn tắc giao thông và quá tải không gian đô thị”, ông Toàn nhấn mạnh.
Theo Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, xác định hướng phát triển thành phố theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và 4 cực phát triển. Với mô hình này, ngoài khu trung tâm trên địa bàn quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh (930ha), thì mở rộng trung tâm sang khu Thủ Thiêm (quận 2, 737ha)... Tuy nhiên, đến nay, TP Hồ Chí Minh mới chỉ phát triển được khu A của Khu đô thị mới Nam thành phố; Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang ở giai đoạn đầu tư hạ tầng kỹ thuật; các trung tâm cấp thành phố còn lại chưa triển khai thực hiện theo quy hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.