Trước năm 2013, mạng lưới y tế do thành phố Hồ Chí Minh quản lý chỉ có 1 bệnh viện với 5 xe đảm trách cấp cứu ngoại viện. Đến đầu năm 2025, thành phố đã có một mạng lưới cấp cứu ngoại viện rộng khắp, đảm trách cả một phần các tỉnh lân cận.
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, trước năm 2013, chỉ có Bệnh viện Hùng Vương đảm trách cấp cứu ngoại viện trên địa bàn với 5 xe cấp cứu. Trung bình mỗi năm, bộ phận này nhận khoảng 5.000 cuộc gọi, đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu cấp cứu của xã hội.
Để thay đổi, ngành Y tế đã tham mưu UBND thành phố Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm Cấp cứu 115 vào năm 2013, đồng thời kêu gọi sự tham gia tình nguyện của các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân theo mô hình làm trạm cấp cứu vệ tinh đặt ngay tại các khoa cấp cứu của bệnh viện và chịu sự điều phối chung của Trung tâm Cấp cứu 115.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo mô hình này, các bệnh viện công lập và tư nhân tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh theo 3 loại hình: Toàn bộ nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị của trạm cấp cứu đều do bệnh viện tham gia tự đảm trách; nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị của trạm cấp cứu do sự phối hợp giữa Trung tâm Cấp cứu 115 và bệnh viện; toàn bộ nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị của trạm cấp cứu do Trung tâm Cấp cứu 115 đảm trách, bệnh viện hỗ trợ cơ sở hạ tầng.
“Đây là cách làm sáng tạo của thành phố và là mô hình cấp cứu ngoại viện đầu tiên trên cả nước trong hình thành mạng lưới cấp cứu vệ tinh, thay vì chỉ có 1 Trung tâm cấp cứu 115. Hiện thành phố đã có 44 trạm cấp cứu vệ tinh, bao trùm địa bàn mọi quận, huyện, thành phố trực thuộc. Qua thời gian chống dịch Covid-19, mô hình này đã phát huy hiệu quả cao nhất”, ông tăng Chí Thượng thông tin.
Tính đến đầu năm 2025, số cuộc gọi cấp cứu qua tổng đài 115 đã tăng hơn 40 lần so với trước năm 2013. Ngoài cấp cứu thông thường, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai cấp cứu chuyên sâu như: Cấp cứu người bệnh tâm thần, bệnh trầm cảm có ý định tự sát, cấp cứu người bệnh đột quỵ đảm bảo giờ vàng trong điều trị, cấp cứu người bệnh đa chấn thương bằng quy trình báo động đỏ liên viện...
Cũng theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống cấp cứu ngoại viện của thành phố hiện đang xây dựng theo mô hình “Paramedic” của Australia. Theo đó, có quy chế phối hợp giữa cấp cứu ngoại viện và nội viện. Lực lượng tham gia cấp cứu ngoại viện cũng được đào tạo chuẩn hoá theo hướng tiếp cận và xử trí theo vấn đề ưu tiên ABCDE theo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) và Liên đoàn Cấp cứu quốc tế (IFEM).
Cùng với đó, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh còn triển khai đào tạo nhận lực cho cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Cụ thể, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp với trường Đại học Khoa học ứng dụng Saimaa (Phần Lan)tuyển sinh đào tạo loại hình “Điều dưỡng cấp cứu ngoại viện”.
Triến khai trên thực tế, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh còn ứng dụng đồng phục Paramedic giúp lực lượng cấp cứu thuận tiện trong thao tác kỹ thuật tại nhiều môi trường phức tạp; mô hình thí điểm xe cứu thương hai bánh để tiếp cận người bệnh nhanh chóng hơn tại khu vực hẻm sâu; mô hình cấp cứu người bệnh tâm thần, trầm cảm...
Trong giai đoạn 2024-2030, thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện Đề án Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp. Theo đó, xây dựng hệ thống cấp cứu hiện đại, đáp ứng nhu cầu người dân với 3 trung tâm theo quy hoạch 3 Cụm y tế chuyên sâu của thành phố.
Cùng với cấp cứu đường bộ, thành phố đang nghiên cứu xây dựng hệ thống cấp cứu đường không và đường thuỷ phù hợp với thực tiễn về nguồn lực và địa lý của địa phương; tăng khả năng kết nối với các khu vực lân cận gồm Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, các khu vực biển đảo và cũng phù hợp với sự phát triển của nhiều nước trên thế giới.
Đơn cử, Bệnh viện Quân y 175 đã triển khai thành công nhiều trường hợp cấp cứu đường không cho các bệnh nhân là chiến sĩ, ngư dân nơi các vùng biển đảo; người dân trên xã đảo Thạnh An huyện Cần Giờ cần cấp cứu vẫn đang được triển khai vận chuyển bằng phương tiện đường thuỷ vào đất liền.
"Qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, hệ thống cấp cứu ngoại viện thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định được vai trò không thể thiếu của mình. Những nỗ lực đổi mới, sáng tạo đã giúp thành phố dần hình thành một hệ thống cấp cứu chuyên nghiệp, góp phần xây dựng thành phố trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực ASEAN", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.