Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh “chốt” phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không cố định

Hà Phạm 11/08/2024 - 17:10

Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ tạo nên hệ thống giao thông liên vùng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông thành phố Hồ Chí Minh theo quy hoạch.

tt41.jpg
Vị trí xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, nối quận 7 với thành phố Thủ Đức. Ảnh: Anh Tú

Phương án xây dựng tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 vừa được UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi Bộ Giao thông Vận tải xem xét, cho ý kiến. Việc này nhằm có cơ sở hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, sớm trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được phê duyệt vào năm 2013, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ kết nối quận 7 với thành phố Thủ Đức với quy mô 4 làn xe.

Thế nhưng, sau quá trình nghiên cứu và đánh giá dự báo lưu lượng giao thông đến năm 2050, tư vấn đề xuất mở rộng quy mô mặt cắt ngang cầu lên 6 làn xe (4 làn xe ô tô và 2 làn xe hỗn hợp).

Quy mô cầu Thủ Thiêm 4 rộng 6 làn xe hiện đã cập nhật vào dự thảo quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060, sẽ trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt sắp tới.

Trong quá trình lựa chọn phương án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, có 2 phương án tĩnh không được đề xuất.

tt4.jpg
Thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng tĩnh không lên 45m do Sở Giao thông vận tải đề xuất trước đó. Ảnh: Sở GTVT

Cụ thể, phương án 1 có tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn là 10m, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 4.365 tỷ đồng. Tuy vậy, phương án này bị đánh giá là hạn chế do chiều cao thông thuyền thấp, gây cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy, ảnh hưởng tới việc khai thác hiệu quả khu cảng Nhà Rồng, Khánh Hội.

Phương án 2 với tĩnh không thông thuyền 15m (cố định - không có giải pháp nâng, mở), tổng mức đầu tư ước tính khoảng 4.840 tỷ đồng. UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ lựa chọn phương án này.

Theo lý giải, phương án này tuy có chi phí cao hơn khoảng 10% so với phương án 1, nhưng mang lại nhiều lợi ích vượt trội, như cho phép các tàu thuyền có chiều cao hơn 10m dễ dàng lưu thông, nhất là các tàu nhà hàng chở khách phục vụ du lịch, thưởng ngoạn cảnh sông Sài Gòn. Đồng thời, giúp khai thác hiệu quả khu cảng Nhà Rồng, Khánh Hội, tạo điều kiện phát triển du lịch sông Sài Gòn.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đề xuất phương án cầu Thủ Thiêm 4 có tĩnh không khai thác bình thường 15m, nhưng nhịp chính giữa sông Sài Gòn có thể nâng lên 45m thông qua hai trụ tháp cùng hệ thống nâng. Theo tính toán, với phương án nâng mở tĩnh không, cầu Thủ Thiêm 4 có tổng đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng (gồm cả lãi vay).

Tuy nhiên, để xác định tĩnh không và phương án thiết kế nhịp cầu Thủ Thiêm 4, Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để thống nhất, bởi khu vực trên đang được nghiên cứu phương án kết nối đường sắt cao tốc Bắc - Nam với đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

UBND thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, cầu Thủ Thiêm 4 được xây dựng giúp tạo thêm một trục giao thông mới theo hướng Bắc - Nam thành phố, kết nối khu vực Nam thành phố với khu trung tâm và thành phố Thủ Đức ở phía Đông. Qua đó sẽ giảm áp lực giao thông cho các trục đường Nguyễn Tất Thành - cầu Khánh Hội, cầu Kênh Tẻ, cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Văn Cừ…, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông khu vực.

Cùng với các dự án đầu tư xây dựng nút An Phú, Quốc lộ 50, các dự án khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3,… cầu Thủ Thiêm 4 sẽ tạo nên hệ thống giao thông liên vùng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông thành phố theo quy hoạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh “chốt” phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không cố định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.