Hầu hết 168 xã, phường, đặc khu thành phố Hồ Chí Minh đã đi vào hoạt động ổn định, phần lớn giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện về tổ chức bộ máy, nhân sự và hạ tầng.
Người dân thoải mái khi đến cơ quan công quyền
Trước đây, nhiều người dân e ngại khi đến cơ quan công quyền. Nay, cảm giác căng thẳng ấy đã được thay thế bằng sự thoải mái, thậm chí hào hứng. Bà Trần Thị Mỹ Dung (phường Sài Gòn) cho biết, bà rất yên tâm khi đến làm thủ tục hành chính tại UBND phường.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Khánh, ấn tượng đầu tiên là hai robot ngay sảnh chính đóng vai trò trợ lý điện tử, hỗ trợ phát số thứ tự, tư vấn quy trình, quét mã QR, tra cứu thông tin và giao tiếp đa ngôn ngữ. Việc ứng dụng công nghệ này không chỉ tạo sự thân thiện với người dân mà còn giúp giảm tải cho cán bộ, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.
Trung tâm bố trí 9 quầy tiếp nhận hồ sơ, 2 bàn hướng dẫn nộp trực tuyến, cùng hệ thống máy tính hiện đại và đường truyền internet mạnh, tạo thuận lợi tối đa cho người dân đến làm thủ tục hành chính.
Bà Hồ Thị Tươi (66 tuổi, phường An Khánh) chỉ mất chưa đầy 10 phút để hoàn tất thủ tục khai tử cho chồng. “Mọi thứ đều nhanh chóng, hiện đại, cán bộ niềm nở, nhiệt tình”, bà Tươi chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND phường An Khánh, trung tâm đã tiếp hơn 1.000 lượt người sau hơn hai tuần hoạt động. Ngoài chuyên môn vững, đội ngũ cán bộ còn có kỹ năng giao tiếp, thậm chí biết ngoại ngữ để hỗ trợ người dân tốt hơn.
Tại phường Cát Lái, bà Nguyễn Thị Đắt (75 tuổi) cũng nhận xét rằng thời gian giải quyết hồ sơ đã nhanh hơn nhiều so với trước.
Cần tiếp tục hoàn thiện bộ máy, tổ chức
Chủ tịch UBND phường Cát Lái Võ Tấn Quan cho biết, sau hơn hai tuần chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã được giải quyết đúng hạn. Tuy nhiên, hiện hệ thống bắt đầu xuất hiện dấu hiệu quá tải.
Với hơn 60 cán bộ, công chức, trong khi địa bàn rộng, gần 2.000ha và dân số khoảng 68.000 người sau sáp nhập, việc tiếp cận và xử lý hồ sơ ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Ông Võ Tấn Quan cho biết, địa phương sẽ nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền tăng cường phân quyền cho Trung tâm phục vụ hành chính công cấp cơ sở, đồng thời, bố trí thêm nhân sự và đầu tư cơ sở vật chất phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công cấp cơ sở vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Theo ông Huỳnh Quốc Thái, Phó Chủ tịch HĐND phường Phú Định, hệ thống “một cửa” hiện tại chưa tự động phân loại hồ sơ theo thẩm quyền của các phòng, ban chuyên môn, khiến cán bộ, công chức mất thời gian trong khâu tìm kiếm, phân loại và xử lý.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Dương, Chủ tịch UBND phường Bình Tây, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện có không đáp ứng được yêu cầu xử lý khối lượng hồ sơ lớn trong thời gian ngắn. Ông Nguyễn Quốc Dương đề xuất cần mở rộng trụ sở làm việc và đầu tư hệ thống máy tính mới để hỗ trợ hiệu quả hơn việc xử lý hồ sơ trực tuyến.
Dù còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, chính quyền địa phương cấp cơ sở vẫn đang nỗ lực chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong việc xử lý hồ sơ, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND phường Cát Lái Võ Tấn Quan khẳng định, quan điểm điều hành của phường là mọi hồ sơ người dân nộp đều phải được tiếp nhận và xử lý. Với những hồ sơ vượt thẩm quyền, phường sẽ chủ động phối hợp giải quyết. Lãnh đạo UBND phường không chỉ chỉ đạo mà còn trực tiếp cùng cán bộ, công chức xử lý hồ sơ, nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.