(HNMO) - Công an TP Hồ Chí Minh huy động tổng lực tập trung trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn, đặc biệt là cướp giật, trộm cắp.
Một vụ cướp xảy ra trên địa bàn quận 3, TP Hồ Chí Minh. |
Trong 3 tháng tội phạm hình sự giảm 7%
Báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tội phạm hình sự 3 tháng (từ 16-2 đến 15-5-2016) tại địa bàn thành phố ghi nhận xảy ra 1.173 vụ (so với cùng kỳ giảm 86 vụ, so với năm 2015 giảm 67 vụ; tính theo tỉ lệ phạm pháp hình sự trên dân số là 1,34 vụ/10.000 dân, giảm 0,13 vụ/10.000 dân), làm chết 22 người, bị thương 167 người, tài sản thiệt hại trị giá trên 33 tỷ đồng. Tội phạm hình sự tuy đã được kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều thách thức.
Các băng nhóm tội phạm từ các tỉnh vào TP Hồ Chí Minh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ giải trí nhạy cảm (vũ trường, quán bar…). Cũng theo ông Phong, tội phạm xâm phạm tài sản được tập trung đấu tranh và liên tục kéo giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều và chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu phạm pháp hình sự, nhất là án cướp giật, trộm tài sản. Các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội lừa đảo có tính quốc tế (do các đối tượng người Đài Loan hoặc Nigeria cầm đầu) trước đây tái xuất hiện như: lừa đảo qua điện thoại, sử dụng các trang mạng xã hội để kết bạn làm quen sau đó dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.
Còn Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho hay, khi lực lượng công an tập trung trấn áp tại khu vực trung tâm thành phố - nơi có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tham quan - thì các đối tượng cướp giật đã chuyển địa bàn hoạt động qua khu vực vùng ven như Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Gò Vấp... Qua điều tra các đối tượng bị bắt giữ, hầu hết là người thất nghiệp, nghiện ma túy (chiếm 35%), thời gian cướp giật hoạt động nhiều từ 8g-22g. Loại án nghiêm trọng, nguy hiểm và dễ gây hoang mang cho người dân là án cướp tài sản được kéo giảm sâu nhất với hơn 21% so với cùng kỳ năm trước (ghi nhận 45 vụ, giảm 12 vụ), trong đó hầu hết xảy ra ở vùng ven, vùng giáp ranh như quận 7, quận 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh... Thủ đoạn quen thuộc, chiếm gần 70% trong các vụ cướp, là nhóm đối tượng rình rập ở nơi tối, vắng người dùng hung khí chặn đánh, cướp tài sản. Án giết người, cố ý gây thương tích ghi nhận xảy ra 139 vụ, giảm 8 vụ (gần 5,5%) nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm cao, bột phát nên rất khó phòng ngừa.
Giải pháp gì để đối phó tội phạm?
Phát biểu tại hội nghị ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng : “Các đồng chí cần tìm ra nguyên nhân của việc một số biện pháp thực thi chưa hiệu quả là do đâu? Tại sao mức độ kéo giảm tội phạm còn chưa được như mong muốn của chính Công an TP Hồ Chí Minh và người dân”. Cũng theo ông Đinh La Thăng, câu hỏi nhức nhối nhất đặt ra cho chúng ta là tại sao thành phố ra tay trấn áp mạnh mẽ như vậy nhưng tính răn đe còn yếu khiến tỷ lệ gia tăng tội phạm vẫn còn cao. Đã có hiện tượng tội phạm di chuyển địa bàn, trốn tránh những nơi bị truy quyet1, tản ra vùng ngoại ô, đến các tỉnh lân cận hoặc rút vào hoạt động ở nơi hang cùng ngõ hẻm, với các thủ đoạn tinh vi hơn.
Trong khi đó, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho hay, trong thời gian tới công an thành phố cần nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ và công tác nắm tình hình, đánh giá mạnh vào các tội phạm có tổ chức, các băng nhóm cho vay nặng lãi, bảo kê, đòi nợ thuê, tội phạm xâm phạm sở hữu, nhất là cướp giật, trộm tài sản. Đã huy động lực lượng CSCĐ với CSGT, CSTT, chốt chặng phòng, chống tội phạm trên các tuyến, khu vực trọng điểm trên địa bàn thành phố. Ngoài ra công an thành phố chỉ đạo công an quận, huyện, phường , xã thị trấn tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương huy động và sử dụng hiệu quả các lực lượng bán chuyên trách tại các địa bàn dân cư, cơ quan, doanh nghiệp. Cũng theo ông Phong, công an TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch tăng cường lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm tuần tra phòng chống cướp, cướp giật, trộm cắp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; đang xây xựng đề án báo cáo Bộ Công an về triển khai lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm hoạt động theo mô hình lực lượng SBC.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trung tướng Lê Đông Phong nói: “Việc kéo giảm được tội phạm không làm cho mình tự mãn. Mình xác định là phải tiếp tục làm cho tốt hơn. Chúng ta phải đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm trên từng địa bàn, từng vụ việc cụ thể để có giải pháp khắc phục. Có như thế thì việc kéo giảm tội phạm mới ngày càng đi theo hướng tích cực và sự bền vững, ổn định các giải pháp mới căn cơ hơn”. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.