(HNMO) - Kể từ ngày 15-4, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức ra quân nhiều đoàn kiểm tra liên ngành dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
TP Hồ Chí Minh quyết tâm loại bỏ thực phẩm bẩn. |
Các đoàn kiểm tra này sẽ phối hợp với lực lượng chức năng của các sở, ngành, quận, huyện tiến hành rà soát, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm (rau, củ, quả, thịt) không đảm bảo an toàn, hoặc có sử dụng chất cấm. Ngoài ra, các đoàn cũng sẽ mở rộng kiểm tra, xử lý các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, đặc biệt là những nơi có bếp ăn tập thể vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây là một trong những nội dung chính trong khuôn khổ “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh” với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất - kinh doanh - tiêu dùng rau, thịt an toàn” sẽ diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5. Kết quả thanh tra và xử lý vi phạm sẽ được tổng hợp, báo cáo UBND thành phố trước ngày 25-5.
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm nay, toàn thành phố phát hiện 746 vụ vi phạm liên quan đến chất lượng thực phẩm; trong đó có 401 vụ vi phạm về kiểm dịch, 218 vụ vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng đã thu hồi 17 tấn thịt gia súc gia cầm; 605 con heo, bò; hơn 8.500 con gia cầm và hơn 39.000 trứng gia cầm không đảm bảo chất lượng.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối của thành phố, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố đã và đang áp dụng hàng loạt giải pháp, quyết tâm loại bỏ thực phẩm bẩn, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Như Báo Hànộimới đã đưa tin, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa chấp thuận chủ trương thành lập Trung tâm kiểm nghiệm phục vụ quản lý an toàn sức khỏe và môi trường thành phố nhằm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và môi trường phục vụ cho đời sống của người dân thành phố.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các sở, ban ngành chức năng phối hợp nghiên cứu lập Đề án thành lập Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm (trực thuộc UBND thành phố), báo cáo UBND thành phố trước ngày 15-5 để thành phố xem xét thông qua trước khi trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.