Đi lễ đầu năm đã trở thành truyền thống đối với mỗi người dân Việt, vừa để du ngoạn, vừa “tắm mình” vào chốn tâm linh, hy vọng những ước nguyện của mình sẽ thành hiện thực. Nắm rõ tâm lý này, nhiều công ty du lịch đã rầm rộ quảng bá các tour du xuân với nhiều điểm hấp dẫn và giá khuyến mại khá rẻ.
Đắt hàng khách ta
Theo phong tục ngày Tết của người Việt Nam, ngay những ngày đầu năm âm lịch các gia đình thường đi lễ ở các đền, chùa để xin lộc cầu được một năm an khang, thịnh vượng.
Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, phong tục này không có tính bắt buộc nhưng đã trở thành truyền thống đối với mỗi người dân Việt. Nhiều người cả năm không đi chùa nhưng những ngày đầu năm mới Tết Âm lịch thì đều muốn qua chùa thắp nén hương, thành tâm góp công đức cho chùa. Thường thì khi đã bước vào chốn tâm linh, ai cũng mang một hy vọng rằng những ước nguyện của mình sẽ thành hiện thực.
Nắm bắt được tâm lý khách hàng, hầu hết các công ty du lịch đều đã rầm rộ quảng bá các chương trình du xuân với các điểm đến hấp dẫn được kết hợp “lễ bái” và du ngoạn.
Khác với các tour đi nghỉ Tết được các “thượng đế” chọn điểm đi dài ngày như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc…những chương trình du xuân thường được tổ chức đi ngắn ngày hơn, khoảng 1 đến 2 ngày, tại những nơi có đền, chùa nổi tiếng.
Công ty cổ phần du lịch VPTour tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã quảng bá chương trình lễ hội-du xuân với hàng chục tour khác nhau cách đây một tháng với giá khá hấp dẫn. Hướng dẫn viên du lịch của công ty cho biết: “Năm nay khách đi du xuân tới các điểm vừa lễ vừa hội đông hơn năm trước. Lịch đưa khách của công ty hiện đã kín sổ. Điểm đông khách đi nhất là Chùa Hương, Đền Hùng, Phủ Giầy, Đền Côn Sơn-Kiếp Bạc…”.
Các tour kết hợp lễ hội-du xuân năm nay có giá khá hợp lý, như tour Hà Nội - Chùa Hương (1 ngày) có giá 280 nghìn đồng/người, Hà Nội - Chùa Dâu - Chùa Bút Tháp - Đền Bà Chúa Kho - Đền Đô (1 ngày) giá 258 nghìn đồng/người, Hà Nội - Đền Côn Sơn - Đền Kiếp Bạc (1 ngày) 260 nghìn đồng/người, Hà Nội - Thiền Viện Tây Thiên - Đền Mẫu Tam Đảo (1 ngày) 377 nghìn đồng/người, Hà Nội - Chùa Keo - Đền Trần - Phủ Giầy (1ngày) giá 268 nghìn đồng/người, Hà Nội - Yên Tử (1 ngày) giá 245 nghìn đồng/người…
Ông Lê Chiến, Giám đốc Công ty KTV Tourist and Trading (Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết, càng sát Tết Âm lịch giá tour chọn gói càng đắt hơn nhưng vẫn khá đông khách. Năm nay những tour được khách chọn nhiều nhất như, Hà Nội - Bái Đính - Tràng An (1 ngày, 350 nghìn đồng/người), Chùa Hương Đất Phật (1 ngày, 450 nghìn đồng/người), Đền Hùng ( 1 ngày 450 nghìn đồng/người), Hà Nội - Hạ Long - Cửa Ông (2 ngày, 760 nghìn đồng/khách)…
Chùa Hương vẫn là điểm du xuân hấp dẫn khách thập phương. Ảnh: Đinh Bách |
Tour Tết kén khách Tây
Phần lớn các công ty du lịch cho biết, dịp Tết Âm lịch đi du lịch nhiều nhất vẫn là khách trong nước. Khách nước ngoài cũng có nhưng không nhiều. Phải là những du khách Tây nào thật thích thưởng thức Tết truyền thống của người Việt Nam mới đi vào dịp này.
Theo chị Thanh Huyền, Công ty Asian Facific Travel, các công ty du lịch “ngại” dẫn khách Tây vào dịp Tết bởi dịp này, các dịch vụ tại các điểm du lịch thường không được đảm bảo bằng ngày thường. Nguyên nhân chính là do lượng khách tăng hơn, lý do khác là vì ít người phục vụ hơn do họ cũng xin nghỉ Tết dẫn đến quá tải phục vụ cho khách du lịch.
Với khách ta thì dễ thông cảm nhưng khách Tây thì khó chia sẻ được. Khách Tây khi đăng ký tour luôn được các công ty đặt tiêu chuẩn phục vụ lên hàng đầu do vậy dịp này các công ty rất sợ bị giảm uy tín chỉ vì phục vụ tour không chu đáo.
Ông Lưu Đức Kế-Giám đốc Công ty lữ hành Hanoi Tourist (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, lượng khách du xuân vào dịp Tết Âm lịch chủ yếu là khách trong nước. Phần lớn là các cơ quan, đơn vị đăng ký cho tập thể đi với số lượng đông, do đó các công ty du lịch đã ưu tiên tập trung mạnh khai thác thị trường nội địa vào dịp này.
Dự đoán trước lượng khách luôn tăng vọt vào những dịp này nên dễ xảy ra hiện tượng quá tải tại các điểm du lịch. Các công ty du lịch khuyến cáo, nếu các du khách tự tổ chức đi cần lưu ý khâu “tiền trạm” để chủ động được nơi ăn, chốn nghỉ, tránh bị “chặt chém” gây mất vui vào đầu năm mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.