Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng tuyển cử tại Thổ Nhĩ Kỳ: Cuộc đua chưa đến hồi kết

Hoàng Linh| 16/05/2023 07:25

(HNM) - Cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội tại Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là bầu cử Tổng thống đang nhận được sự quan tâm của người dân trong nước cũng như thế giới khi chưa đến hồi kết. Sau khi không ứng cử viên nào giành được 50% phiếu bầu, cuộc bầu cử sẽ bước vào vòng hai nhằm tìm ra người có thể tiếp tục nâng cao vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu tại thành phố Izmir.

Từ sáng 14-5 (giờ địa phương), cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội của nước này.

Theo Hãng thông tấn Anadolu, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao, đạt gần 89% tại Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 52% với những người đăng ký bỏ phiếu ở nước ngoài. Tuy danh sách ứng viên tranh cử tổng thống có ba cái tên, nhưng trên thực tế đây được đánh giá là “cuộc đua song mã” giữa đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập Kemal Kilicdaroglu.

Thăm dò trước bầu cử cho thấy, cuộc đua giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đối thủ chính Kemal Kilicdaroglu khá cân bằng. Thực tế này phản ánh rõ nét khi kết quả được công bố vào tối 15-5 cho biết, đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được 49,50% số phiếu bầu - chưa đạt mức đa số 50% cần thiết theo quy định để tránh cuộc bỏ phiếu vòng hai. Đối thủ chính Kemal Kilicdaroglu nhận được 44,89% số phiếu bầu...

Thực tế trên đồng nghĩa cuộc đua vòng hai, dự kiến diễn ra trong ngày 28-5, sẽ đóng vai trò quyết định. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi hai tuần, hai ứng viên dẫn trước sẽ phải nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri. Hiện nay, vấn đề người dân Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm nhất là lạm phát, trong bối cảnh giá các mặt hàng tiêu dùng cũng như giá nhà ở đã tăng vọt và tỷ lệ lạm phát lên tới 85% trong tháng 10-2022. T

rong khi đó, đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá không phanh, thậm chí mất thêm 40% giá trị so với đồng USD chỉ trong hai tháng đầu năm nay. Những con số này sau đó đã được kiểm soát tốt hơn, nhưng vẫn nổi lên như một rào cản đối với nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống đương nhiệm.

Để gia tăng sự ủng hộ, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lương và lương hưu, trợ cấp hóa đơn điện và khí đốt, đồng thời triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng và quốc phòng trong nước. Về phần mình, ông Kemal Kilicdaroglu - một nhà kinh tế học lão luyện - phát đi cam kết sẽ khắc phục nền kinh tế đang chịu tác động của lạm phát cao và đồng tiền mất giá.

Cuộc tổng tuyển cử của Thổ Nhĩ Kỳ nhận được sự quan tâm rất lớn. Trong nước, đây được xem là sự kiện mang tính bước ngoặt, được coi như một cuộc “trưng cầu dân ý” về hành trình 20 năm đất nước dưới sự chèo lái của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Trên toàn cầu, cuộc bầu cử khiến cả Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi hộp theo dõi, bởi sự kiện này sẽ dẫn đến những thay đổi to lớn ở một quốc gia có ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề của hai khối, mà nổi bật là đàm phán về Syria, đàm phán Nga - Ukraine, dòng chảy lương thực từ Ukraine qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Đông, châu Phi.

Từ năm 2016, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã theo đuổi con đường độc lập địa chính trị tương đối, định vị Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc trong khu vực, tránh xa việc hội nhập với EU và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với Nga ngay cả trong bối cảnh xung đột tại Ukraine. Về phần mình, ông Kemal Kilicdaroglu có xu hướng thúc đẩy dân chủ, tự do hơn ở trong nước, và chính sách đối ngoại gần với phương Tây.

Sau giai đoạn đua tranh kịch tính, người chiến thắng dù là ai cũng đều sẽ đảm nhiệm sứ mệnh đưa Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi chuỗi ngày khủng hoảng kinh tế, tích cực thúc đẩy tiến trình tái thiết đất nước sau thảm họa động đất hồi tháng 2-2023, đồng thời tiếp tục có những chính sách đối ngoại phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề của khu vực và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng tuyển cử tại Thổ Nhĩ Kỳ: Cuộc đua chưa đến hồi kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.