Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng tuyển cử tại Myanmar: Dấu mốc lịch sử

Đình Hiệp| 09/11/2015 06:21

(HNM) - Ngày 8-11-2015 trở thành ngày trọng đại với người dân Myanmar khi khoảng 32 triệu cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử được cho là tự do, công bằng chưa từng có trong lịch sử ở quốc gia này.

Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi nước Cộng hòa liên bang thực hiện cải cách mở cửa, sau khi chính quyền dân sự của Tổng thống U Thein Sein lên nắm quyền thay thế chính quyền quân sự cách đây 4 năm. Với quy trình nghiêm ngặt, minh bạch dưới sự giám sát của 10.000 quan sát viên quốc tế và trong nước, công tác kiểm phiếu sẽ mất ít nhất 2 ngày.


Cử tri Myanmar đi bỏ phiếu.


Kể từ khi giành độc lập vào năm 1948, Myanmar liên tục chìm trong các biến cố chính trị và xung đột sắc tộc. Những giai đoạn ổn định để phát triển rất ngắn ngủi và thường xuyên bị gián đoạn. Năm 2011 chứng kiến nhiều chuyển biến sâu sắc trong đời sống chính trị và kinh tế của Myanmar khi Tổng thống U Thein Sein lên nắm quyền. 4 năm dưới sự điều hành của Chính phủ dân sự, một loạt cải cách mở cửa đã được triển khai giúp quốc gia trên 52 triệu dân có bước chuyển mình mạnh mẽ. Chính sách kinh tế mở cửa không chỉ giúp Myanmar giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, hướng tới các hoạt động kinh tế trong nông nghiệp, chế tạo và dịch vụ mà còn thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế. Tuy chưa có thị trường chứng khoán thực sự và chưa được xếp hạng tín nhiệm nhưng Myanmar vẫn được coi là một "ngôi sao" tăng trưởng ở khu vực Châu Á nhờ mức tăng trưởng GDP có thể lên tới 10% trong năm nay. Nhờ những cải cách này, các nước phương Tây đã từng bước dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế, tạo điều kiện cho Nay Pyi Taw hội nhập tốt hơn với khu vực và thế giới. Bên cạnh những thành tựu kinh tế, chính quyền dân sự ở Myanmar còn tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình xây dựng hòa bình quốc gia. Lần đầu tiên kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1948, Chính phủ Myanmar và 8 trong số 15 nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang đã ký Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc (NCA) vào ngày 15-10 vừa qua, hướng tới kết thúc hơn 60 năm xung đột dân sự, mở đường xây dựng hòa bình, góp phần tăng cường ổn định và phát triển tại quốc gia Đông Nam Á. Thỏa thuận lịch sử này là nền tảng then chốt cho chương trình cải cách của Tổng thống U Then Sein.

Cuộc bầu cử diễn ra ngày 8-11 là bước thứ 7 và cũng là bước cuối cùng trong lộ trình xây dựng đất nước của "Lộ trình 7 bước" được công bố và triển khai từ đầu năm 2003 đến nay. Theo Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar (UEC), có 6.040 ứng cử viên thuộc 91 đảng phái chính trị và các ứng cử viên độc lập chạy đua vào hơn 1.000 ghế nghị sĩ tại cơ quan lập pháp các cấp. Trong số 1.163 đơn vị bầu cử, 330 đơn vị sẽ bầu hạ viện liên bang, 168 đơn vị bầu thượng viện liên bang, 636 đơn vị bầu nghị viện bang hoặc cấp vùng và 29 đơn vị bầu nghị viện bang hoặc khu vực của các sắc tộc. Hai đảng được coi là có ưu thế trong cuộc đua này là đảng Đoàn kết và Phát triển liên bang (USDP) cầm quyền và đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập. So tương quan lực lượng thì USDP có nhiều lợi thế nhờ thúc đẩy Myanmar mở cửa nền kinh tế 4 năm qua, trong khi NLD đối lập lại có thành tích tranh cử đã được chứng minh khi giành được 82,2% số phiếu trong cuộc bầu cử năm 1990 và 97,7% số phiếu trong cuộc bầu cử bổ sung năm 2012. Đảng NLD được dự đoán sẽ giành nhiều phiếu nhất song chưa rõ có đủ ưu thế áp đảo tại Quốc hội để nắm quyền quyết định chiếc ghế Tổng thống hay không vì theo quy định của Hiến pháp Myanmar thì tới 25% số ghế trong Quốc hội dành riêng cho lực lượng quân sự.

Dòng người xếp hàng dài tại các điểm bỏ phiếu ở thành phố Yangon trong tâm trạng háo hức cho thấy cử tri Myanmar kỳ vọng rất lớn vào cuộc tổng tuyển cử này, sự kiện sẽ quyết định kết quả cuộc bầu Tổng thống, Phó Tổng thống và Chính phủ liên bang của Quốc hội khóa mới vào tháng 2-2016. Dù đảng nào giành chiến thắng, tiến trình cải cách sẽ vẫn là xu hướng chủ đạo vì đây là con đường duy nhất để quốc gia này có thể tăng mức sống và cải thiện phúc lợi của người dân một cách bền vững, đồng thời tái lập, nâng cao vai trò quốc tế của mình trong những thập kỷ tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng tuyển cử tại Myanmar: Dấu mốc lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.