Lần giở lại ký ức của những ngày lịch sử, trực tiếp tham gia các trận đánh vào những điểm trọng yếu của địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các nữ biệt động Sài Gòn ngày nào vẫn vẹn nguyên một cảm xúc tự hào.
Cắt tay bị thương để... tiếp tục chiến đấu
Chia sẻ những ngày lịch sử Mậu Thân 50 năm về trước, bà Đào Thị Huyền Nga (bí danh Lê Hồng Quân), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng chia sẻ với chúng tôi dòng thơ viết tặng đồng đội. Giọng bà như nghẹn lại khi nhớ về đồng đội đã hy sinh: “Trong nén hương lòng thêm đớn đau. Rõ từng khuôn mặt sát vai nhau. Trên đường phố Sài Gòn xưa ấy. Tiếp bước chân lên những chiến hào... Những nòng thép đỏ trên đường tiến...Sáng từng khuôn mặt sát vai nhau. Xin chớ hỏi ai còn, ai mất. Tất cả còn đây đau xót, tự hào…”.
Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại Chương trình giao lưu Nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong Mậu Thân 1968. |
Trực tiếp tham gia và chỉ huy đơn vị chiến đấu trong đợt 2 năm Mậu Thân 1968, ký ức về những ngày tháng lịch sử đối với bà Huyền Nga dù đau xót nhưng vẫn rất tự hào. Tự hào bởi bà và đồng đội đã chiến đấu dũng cảm khi đối mặt với kẻ thù, đau xót bởi những hy sinh của đồng đội sau các trận đánh khốc liệt và cả nỗi đau của đồng đội sa vào tay quân thù, phải chịu những đòn tra tấn dã man của địch.
Theo bà Huyền Nga, chuẩn bị cho đợt 2, chiều 27-4-1968, Bộ Tư lệnh tiền phương ra lệnh bằng mọi giá "ém" quân đưa hết lực lượng đơn vị vào nội đô để đánh khu vực quận Nhì - trung tâm Sài Gòn lúc bấy giờ và chi viện cho Quận 4. Nhiệm vụ đầy khó khăn, mệnh lệnh như lửa cháy, trong tình hình cấp bách, bộ phận vận chuyển vũ khí đã giơ cao tay tuyên thệ “phải chuyển được vũ khí vào thành phố cho dù phải nằm lại nơi chiến trường”.
Đơn vị của bà Huyền Nga tổ chức "ém" quân và đưa vũ khí vào các vị trí trọng điểm của nội đô, trong đó có các điểm chợ Cầu Muối; Hẻm 83 Đề Thám (được tổ chức thành nơi ém quân, tập trung vũ khí của Sở chỉ huy tiểu đoàn); Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh (khu Mã Lạng); lõm căn cứ của Bùi Viện và Phạm Ngũ Lão. Đơn vị nhận được lệnh cấp trên phối hợp đánh vào Dinh Độc lập, Tòa Đại sứ, Ty đặc biệt 2, Nha đô thành, Tổng nha cảnh sát, Ngân hàng và một số cơ quan của Mỹ. Đồng thời, phát động quần chúng ở một số phường trên địa bàn quận Nhì tham gia Tổng tiến công.
Nhớ về trận đánh trong đợt 2 Mậu Thân năm 1968, bà Huyền Nga không thể quên trận đánh trong Hẻm 83 Đề Thám. Trong trận đánh này bà đã để lại một phần thân thể của mình. Đối mặt với kẻ thù, đánh trả quyết liệt, song tình thế ngày càng khắc nghiệt, Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân quyết định lệnh cho đơn vị rút khỏi địa bàn để bảo toàn lực lượng. “Yêu cầu lúc đó cần có một người lanh lẹ ở lại để chủ động lộ điểm đánh lạc hướng địch cho đồng đội chuyển ra ngoài. Khi đó, có ba người bị thương gồm chị Sáu Xuân (Lê Thị Bạch Cát), em Quang và tôi tình nguyện ở lại bởi ai cũng đã bị thương. Bản thân tôi tự nhủ tôi sẽ chiến đấu và hy sinh ở đây”, bà Huyền Nga nói.
Bà Huyền Nga cho biết thêm: “Ba người chúng tôi cùng chủ động lộ điểm hoàn toàn, như “bia thịt” để địch đổ vào. Súng bắn, lựu đạn ném vào ngày càng dày. Người tôi “nát” hết, toàn những vết thương mảnh đạn găm vào. Trong tích tắc, có viên đạn bắn xuyên qua tường trúng mặt tôi...". Bị thương, bà Nga đã dũng cảm tự cắt lìa cánh tay bị thương của mình rồi tiếp tục chiến đấu. “Trong một thoáng suy nghĩ, tôi đã dùng dao xoay tròn mấy vòng và bàn tay rớt xuống. Trên bàn tay đó, ngón tay còn đeo chiếc nhẫn mà cách đây mấy ngày má tôi giao cho tôi và căn dặn nếu có gì cần thiết cho việc chung thì con cứ bán”, bà Huyền Nga xúc động hồi tưởng.
Sau đó, bà Nga cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu với kẻ thù đến viên đạn cuối cùng, do đuối sức vì mất máu, bà đã sa vào tay giặc. Bà bị địch bắt giam, tra tấn dã man nhưng bà cương quyết không khai bất cứ điều gì.
Chiến dịch Mậu Thân với bà Huyền Nga còn là phần ký ức bi tráng khi bà đã tận mắt chứng kiến sự hy sinh can trường của nhiều đồng đội như anh Hà Văn Tiết, chị Sáu Xuân, em Quang... Bà Huyền Nga còn nhớ mãi giây phút trước lúc em Quang - người đồng đội nhỏ tuổi nhất đơn vị hy sinh do bị địch tra tấn. Trước khi hy sinh, em Quang còn cất tiếng hát hào hùng.
Sau ngày giải phóng, bà Huyền Nga trở về với nhiều vết thương trên cơ thể. Trải qua 23 lần phẫu thuật, nhiều mảnh đạn còn lại trên cơ thể vẫn khiến bà đau đớn mỗi khi trở trời. Song, bà luôn cảm thấy tự hào với những gì mình đã cống hiến, hy sinh.
Nữ biệt động duy nhất tham gia đánh vào Dinh Độc lập
Đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, một đội biệt động Sài Gòn gồm 15 người nhận nhiệm vụ tấn công Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay); trong đó, bà Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) là người phụ nữ duy nhất tham gia trận đánh lịch sử này.
Bà Minh Nghĩa sinh ra và lớn lên ở Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh). Bà cho biết, do tận mắt chứng kiến cảnh tàn phá của chiến tranh trên quê hương mình nên bà có suy nghĩ chỉ có làm cách mạng, đi theo Đảng mới giải phóng được cho gia đình, quê hương, dân tộc. Suy nghĩ ấy đã thôi thúc bà cũng như nhiều chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi khi ấy tình nguyện cầm súng chiến đấu.
Nhớ về không khí đêm Giao thừa trước trận đánh lịch sử Tết Mậu Thân 1968, bà Minh Nghĩa cho rằng, đó là cái Tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời bà. Năm đó, ở vùng giải phóng, các cơ quan, đơn vị chiến đấu tập trung lại đón Tết bên nhau. Sau khi liên hoan, họ ngồi quây quân bên nhau trong đêm Giao thừa và nghe lời chúc Tết của Bác Hồ. Sau đó họ nhận được lệnh đêm mùng 1 Tết, đơn vị sẽ đánh vào Dinh Độc Lập. “Tất cả chúng tôi đều đồng lòng nhận lệnh và xác định dù lực lượng địch có lớn hơn gấp trăm ngàn lần nhưng với lòng quyết tâm, nhất định chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi bắt tay nhau, thề với nhau chiến đấu đến viên đạn cuối cùng”, bà Minh Nghĩa chia sẻ.
Công tác chuẩn bị vũ khí của đơn vị chỉ có thời gian từ sáng tới chiều mùng 1 Tết. Lúc đó có hai hầm vũ khí, một ở Hòa Hưng, một ở nhà ông Năm Lai. Đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, đội biệt động Sài Gòn gồm 15 người trên 3 xe tải nhỏ và hai chiếc xe máy xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Được lệnh cố giữ trận địa từ 15-30 phút sẽ có quân chi viện, nhưng hơn 30 phút trôi qua, vẫn chưa có quân tiếp viện, tình hình rất “gay” khi lực lượng của ta quá mỏng so với địch. Trong trận đó, đơn vị của bà bị địch bao vây suốt đêm mùng 1 đến sáng mùng 3 Tết. Vì vậy, dù can trường đối mặt với kẻ thù, một nửa quân số của đơn vị đã hy sinh và số còn lại đều bị thương.
Sau trận đánh đó, bà Minh Nghĩa bị bắt. Sáu năm ở tù, chịu đủ đòn tra tấn của địch nhưng bà vẫn không khai bất cứ thông tin gì của tổ chức. Cuối cùng, bà bị đày ra nhà tù Côn Đảo, đến năm 1974, bà được trả tự do.
Ý chí kiên cường và tình yêu quê hương đất nước đã giúp bà vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Bà Minh Nghĩa xúc động chia sẻ: "Chúng tôi, khi sa vào tay giặc, lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc đặt lên trên hết, dù có hy sinh, dù bị bắt cũng phải giữ khí tiết để bảo vệ, bảo tồn cơ sở của mình chứ không thể khai báo. Giữ khí tiết của một người cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Chúng tôi luôn xác định tin tưởng vào ngày giải phóng của mình rất gần, dù bị đàn áp đến đâu cũng quyết tâm vượt qua”.
Những nữ biệt động Sài Gòn kiên trung, gan dạ năm nào luôn tin tưởng vào thế hệ trẻ và hy vọng, lực lượng kế thừa sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.