Để phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta tại Sài Gòn năm Mậu Thân 1968, được sự chỉ đạo của phân khu II, cấp ủy xã Vĩnh Lộc (nay thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh), Chi bộ ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2, Thới Hòa cùng các cơ sở cách mạng nòng cốt đã vận động, tổ chức các đoàn dân công với hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia phục vụ chiến đấu.
Khu di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN) |
Từ đây, những đoàn dân công hình thành ở “vành đai lửa” đã trở thành điểm son cách mạng của vùng Vĩnh Lộc, nơi ghi dấu sự hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến.
Bên cạnh bộ đội chủ lực, những thanh niên xã Vĩnh Lộc và vùng lân cận đã tích cực ngày đêm phục vụ chiến đấu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nhiều người chỉ mới 16-17 tuổi, độ tuổi thanh xuân đẹp nhất cuộc đời. Họ tham gia với mong muốn hỗ trợ để quân ta hoàn thành sứ mệnh tổng tiến công, sớm thống nhất đất nước, đưa non sông về một mối.
Những cô gái Sài Gòn đi tải đạn
Xã Vĩnh Lộc là vùng đất “đầu sóng ngọn gió” vì nằm ở địa thế giáp với căn cứ Vườn Thơm và căn cứ địa Củ Chi, từ vị trí này, ta tiến công vào cơ quan đầu não của địch.
Đầu năm 1968, nhân dân Vĩnh Lộc dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã đã sát cánh cùng chiến dịch, vận động quần chúng tham gia phục vụ cách mạng, tiêu biểu là các đoàn dân công làm nhiệm vụ tải đạn, chuyển thương binh cho các đơn vị bộ đội chủ lực.
Theo tài liệu về “Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968” (Đảng bộ huyện Bình Chánh), năm 1966, dưới sự chỉ đạo của phân khu II, Huyện ủy Bình Tân (nay là Bình Chánh), cấp ủy xã Vĩnh Lộc cùng các chi bộ trực thuộc đã hoạt động bí mật, hợp pháp xen cài trong các ấp chiến lược, nổi bật có đồng chí Phạm Văn Be (Tư Be, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa I), Phạm Văn Năm (Xã đội trưởng). Đầu năm 1968, cấp ủy cùng Chi bộ các ấp đã tổ chức, vận động hàng trăm nam, nữ thanh niên tham gia các đoàn dân công với nhiệm vụ tải đạn, cáng thương, phá rào ấp chiến lược, đắp mô, đào đường, phá cầu, đào công sự… để phục vụ chiến đấu.
Những giờ phút lịch sử của đợt 1 và đợt 2 của chiến dịch Mậu Thân, các đoàn dân công đã dũng cảm xuống đường, băng mình trong đạn lửa. Suốt cả hai đợt, mỗi dân công đều mang trên mình từ 15-20 kg đạn dược hay đồ dùng quân sự; dân công nào cũng tải từ 6-10 lần trở lên, để kịp chuyển vũ khí cho tuyến trên và đưa thương binh về tuyến sau.
Với tinh thần cách mạng, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước, những cô gái tuổi đời còn rất trẻ đã quên mình tham gia đoàn dân công hỏa tuyến.
Bà Lê Thị Khuynh (Ba Trang), một đảng viên trẻ trực tiếp vận động người dân tham gia đoàn khi đó, kể lại: “Mọi người đi đông lắm, cả 70 - 80 người. Đêm nào cũng có đoàn đi dân công. Lúc đó, nhờ tinh thần cách mạng nên việc vận động dân công cũng không khó khăn gì. Chiều chiều tôi xuống nói “chị, em ơi, tối nay mình đi dân công nha” thì mọi người ừ liền. Tối hẹn tập trung ở đâu đó, nhà ai, rồi được dẫn đi."
Bà Phạm Thị Ôi chia sẻ thông tin những liệt sỹ, là đồng đội trong đoàn dân công hỏa tuyến năm xưa. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN) |
Bà Phạm Thị Ôi (Bảy Ôi), một dân công hỏa tuyến xã Vĩnh Lộc thoát được trận càn của địch khi xưa, nay đã gần 70 tuổi, vẫn nhớ như in về thời kỳ hào hùng, oanh liệt của vùng quê. “Trong năm 1967, tôi đi tải đạn không biết bao lần. Chị em tải được mấy chục ký (kg), vác thẳng lên vai. Tôi đã vác trái pháo để pháo kích sân bay, trái bự bự, để trên vai vác. Đi riết đi riết mỏi thì sang vai bên kia. Hồi đó tôi đi cùng chị Bảy Sàng, người thấp quá, vác không nổi nên bả chỉ cầm có hai cái chân nó thôi (giá pháo)," bà Bảy Ôi vừa cười vừa nhớ lại những kỷ niệm khó phai.
Ra đi ở tuổi thanh xuân
Phần lớn dân công hỏa tuyến tại Vĩnh Lộc là những cô gái ở độ tuổi trăng tròn. Đây là lứa tuổi với bao ước mơ tươi đẹp, họ có quyền chọn lựa cho mình một lối đi khác, bởi Vĩnh Lộc nằm ngay vị trí cửa ngõ Sài Gòn, sát gần một đô thành hào nhoáng, rồi bao lời khuyến dụ, mua chuộc và cả dọa nạt của địch. Nhưng vượt lên tất cả, những chàng trai, cô gái vì yêu quê hương đã hiến dâng tuổi thanh xuân khi Tổ quốc cần mình.
Phục vụ chiến đấu, mỗi cao điểm chiến dịch và khi có trận đánh của bộ đội địa phương như Tiểu đoàn 6 Bình Tân, bộ đội chủ lực của Sư đoàn 9, quân dân Vĩnh Lộc sẵn sàng giúp đỡ tải đạn, chuyển thương binh, nấu cơm, đắp đường... Khi cấp ủy xã, đảng viên các ấp truyền lệnh, các tổ viên nòng cốt như các chị: Phạm Thị Tấm, Phạm Thị Nang, Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Khỏi, Nguyễn Thị Tư, Lê Thị Khuynh (Ba Trang) đi thông báo “đêm nay đàng mình có trận đánh” là nam nữ thanh niên nhanh chóng tập hợp và luân phiên nhau phục vụ. Mỗi đoàn dân công có khoảng 50-60 người, có du kích dẫn đường.
Theo tài liệu “Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968," trong đợt II của chiến dịch Mậu Thân, nhận được lệnh từ trước, đêm 15-6-1968, đoàn dân công Tân Hòa I và Tân Hòa II tập trung với 55 người, trong đó một đồng chí du kích có vũ trang dẫn đường, một thanh niên tòng quân. Nhiệm vụ của đoàn đêm đó là chuyển hai thương binh của Sư đoàn 9 đang nằm dưới ghe ở Bưng Cát (Vĩnh Lộc) về Bình Thủy (huyện Đức Hòa, Long An), sau đó đoàn tải đạn từ Long An về điểm tập kết.
Kế hoạch là vậy, nhưng khoảng 22 giờ 30 phút, khi đang di chuyển ở Bưng Cát đã bất ngờ bị địch phát hiện. Địch rọi đèn pha sáng cả một vùng, nên dù đã nấp dưới các bụi dứa, nhưng do hai chiếc ghe chuyển thương binh làm nước động tạo sóng và vẩn đục nên địch xả đạn liên tiếp xuống đìa dứa. Hai chiếc máy bay của địch bay sát đầu ngọn dứa và nhả đạn liên tục khiến nhiều dân công và chiến sỹ hy sinh.
Bà Phạm Thị Ôi kể về trận càn kinh hoàng của địch năm xưa, cướp đi mạng sống của 32 dân công Vĩnh Lộc. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN) |
Trận oanh kích đã cướp đi sinh mạng 32 người con ngoan cường của đất lửa Vĩnh Lộc gồm 25 nữ, 7 nam. Sáng hôm sau, lính địch ở đồn kéo vào kiểm tra, thấy xác chết toàn là dân thường nên chúng quay về và bắt đầu tìm kiếm những người bị thương, xem gia đình nào có người tham gia dân công.
Sau trận mưa đạn đêm 15-6-1968, địch tưởng đã giết hết dân công trung kiên ở vùng Tân Hòa, nhưng chúng không ngờ vẫn còn rất nhiều người thoát được và trở lại với ý chí cách mạng ngày càng mạnh mẽ hơn, tinh thần cách mạng bùng cháy hơn.
Bà Bảy Ôi chia sẻ những người đi về từ cõi chết, hơn ai hết họ thấm thía nỗi đau mất đồng đội, thấm thía sự bạo tàn của quân thù. Như chị Phạm Thị Nàng, người chứng kiến đồng đội chết trong vòng tay của mình, khi bị giặc bắt và tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.
Chiến tranh đã qua đi, 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc mãi mãi không trở về, nhưng ký ức về những người con ưu tú của đất nước không phai mờ trong tâm trí những người còn lại, của thế hệ hôm nay và mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.