Theo truyền thông quốc tế, ngày 13-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh mới, chỉ đạo Đại diện Thương mại và Bộ trưởng Bộ Thương mại đề xuất các khoản thuế đối ứng theo từng quốc gia nhằm nỗ lực tái cân bằng quan hệ thương mại toàn cầu.
"Tôi đã quyết định sẽ áp dụng mức thuế quan có đi có lại", ông Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục khi ký sắc lệnh.
''Điều này công bằng với tất cả mọi người. Không quốc gia nào có thể phàn nàn. Trong hầu hết các trường hợp, họ tính thuế chúng ta cao hơn nhiều so với mức chúng ta tính cho họ, nhưng những ngày đó đã qua rồi”, ông Trump nhấn mạnh.
Chính quyền Tổng thống Trump khẳng định rằng, mức thuế quan mới sẽ tạo ra sự cân bằng giữa các nhà sản xuất Mỹ và các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, mặc dù người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này có thể sẽ phải trả những loại thuế mới trực tiếp hoặc thông qua hình thức tăng giá.
Theo một quan chức cấp cao giấu tên của Nhà Trắng, thuế đối ứng sẽ được tùy chỉnh cho từng quốc gia, nhằm mục đích bù đắp các mức thuế mà mỗi nước đánh lên hàng hóa Mỹ cũng như các rào cản phi thuế quan khác như trợ cấp không công bằng, quy định, thuế giá trị gia tăng, tỷ giá hối đoái...
Vị quan chức này cho biết, doanh thu thuế quan dự kiến sẽ giúp cân bằng thâm hụt ngân sách 1,9 nghìn tỷ USD, đồng thời tiết lộ các đợt xem xét cần thiết cho thuế quan có thể được hoàn thành trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.
Trong nhiều tuần qua, Tổng thống Trump đã đe dọa và áp đặt các biện pháp tăng thuế khiến một số nước có các động thái đáp trả, có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại.
Cụ thể, ông Trump đã áp thêm thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và chuẩn bị áp thuế đối với Canada và Mexico, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào tháng 3 khi bị đình chỉ trong 30 ngày.
Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico đã sẵn sàng các biện pháp đối phó nhằm gây tổn hại kinh tế cho Washington để đáp trả hành động của ông Trump, trong khi Trung Quốc đã có những bước đi trả đũa bằng cách áp thuế đối với các mặt hàng năng lượng, máy móc nông nghiệp và ô tô phân khối lớn của Mỹ cũng như mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google.
Nhà Trắng lập luận rằng, việc áp thuế quan đối ứng giống như các nước khác sẽ cải thiện tính công bằng của thương mại, có khả năng tăng doanh thu cho Chính phủ Mỹ, đồng thời tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán.
Trong báo cáo công bố ngày 13-2, các nhà phân tích tại ngân hàng Wells Fargo nhận định, thuế quan có thể gây tổn hại đến tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới trong năm nay, trong khi việc cắt giảm thuế kéo dài có thể giúp tăng trưởng phục hồi vào năm 2026.
Báo cáo cho biết: ''Thuế quan gây ra cú sốc đình lạm khiêm tốn cho nền kinh tế. ''Nền kinh tế Mỹ bước vào năm 2025 với đà tăng trưởng khá, nhưng chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP thực tế sẽ giảm đôi chút trong vài quý tới vì tác động tăng giá của thuế quan làm xói mòn tăng trưởng thu nhập thực tế, do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng chi tiêu thực tế của người tiêu dùng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.