Thế giới

Tổng thống Mỹ công bố chiến lược “Bidenomics“: Kỳ vọng lấy niềm tin của người dân

Thùy Dương 02/07/2023 - 06:51

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu về chiến lược mang tên "Bidenomics" ở Chicago (Mỹ) với mục tiêu vạch ra một kế hoạch kinh tế rộng lớn giúp khôi phục “giấc mơ Mỹ” trước thềm cuộc đua vào Nhà Trắng vào năm 2024.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, với việc ra mắt chiến lược "Bidenomics", Nhà Trắng kỳ vọng thuyết phục người dân Mỹ tin tưởng rằng đất nước đang được điều hành một cách hiệu quả.

usa.jpg
Mỹ đang đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn về lạm phát tăng trở lại.

Trong bài phát biểu kéo dài khoảng nửa giờ, Tổng thống Joe Biden đã cố gắng thu hút sự ủng hộ của các cử tri thuộc tầng lớp lao động và trung lưu, lực lượng quan trọng đối với hy vọng tái đắc cử tổng thống năm tới của ông.

Cùng với việc điểm lại những thành quả lập pháp ấn tượng trong hơn 2 năm qua kể từ ngày tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã đề cập tới chiến lược “Bidenomics” như một lý thuyết thống nhất cho các chính sách kinh tế mà ông theo đuổi suốt từ cuộc bầu cử năm 2020 đến nay.

Lý thuyết này dựa trên 3 trụ cột chính: Trước hết là coi chất lượng tăng trưởng kinh tế quan trọng hơn số lượng. Khác với quan điểm “tất cả tăng trưởng đều là tăng trưởng tốt”, chiến lược “Bidenomics” không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) cao hơn mà còn nhìn nhận tốc độ tăng trưởng đó có mang lại thu nhập trung bình cao hơn, ít bất bình đẳng hơn và đầu tư trong nước nhiều hơn vào các lĩnh vực quan trọng với an ninh quốc gia hoặc môi trường; tự do kinh doanh không còn được tuyệt đối hóa mà thay bằng chính sách công nghiệp.

Thị trường phân bổ vốn để đạt được lợi nhuận cao nhất cho các nhà đầu tư tư nhân, nhưng chiến lược “Bidenomics” cho rằng đã không tính đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng mong manh hoặc lỗ hổng địa chính trị.

Do đó, chiến lược “Bidenomics” đặt mục tiêu hướng vốn tư nhân vào các lĩnh vực được ưu tiên thông qua các quy định, trợ cấp và các biện pháp can thiệp khác; chính sách thương mại ưu tiên cho người lao động Mỹ chứ không phải người tiêu dùng.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden lập luận rằng, nhiều quốc gia phải đối mặt với những thách thức kinh tế sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine; tuy nhiên, kinh tế Mỹ đã vượt trội so với các nước với nhiều biện pháp giải quyết, bao gồm cả việc làm và lạm phát.

Trên thực tế, những con số biết nói đã khiến Nhà Trắng có lý do để tự hào. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,7% trong khi lạm phát giảm xuống 4% từ mức cao 9,1% vào tháng 6 năm ngoái. Goldman Sachs - ngân hàng đầu tư đa quốc gia đặt trụ sở tại Mỹ, đã đặt tỷ lệ suy thoái trong 12 tháng tới ở mức 25%, giảm so với ước tính trước đó là 35%.

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tạm dừng chuỗi tăng lãi suất lần đầu tiên trong chiến dịch kéo dài 18 tháng nhằm giảm lạm phát.

Nhà Trắng đã nỗ lực xoa dịu những lo ngại về nền kinh tế đầy biến động sau đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng vì xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, dù lạm phát đã hạ nhiệt và đại dịch Covid-19 cơ bản bị đẩy lùi, nhưng kinh tế Mỹ vẫn là điều khiến cử tri nước này lo lắng bởi những nguy cơ tiềm ẩn về lạm phát cũng như thị trường việc làm chưa ổn định. Cùng với đó, những cảnh báo về một cuộc suy thoái vẫn tồn tại như thừa nhận của Chủ tịch FED Jerome Powell mới đây.

Rõ ràng, việc ứng phó với các vấn đề của nền kinh tế là cái “gai” dai dẳng đối với ông chủ Nhà Trắng kể từ khi lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm vào mùa hè 2022.

Theo một cuộc khảo sát vào tháng 5 của Hãng thông tấn AP-NORC (Trung tâm Nghiên cứu NORC của Đại học Chicago), chỉ có 33% người được hỏi tán thành sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden về kinh tế. Tương tự, một cuộc thăm dò của CBS News được công bố vào tháng 6 cho thấy, chỉ 36% tán thành cách thức xử lý nền kinh tế của ông so với 64% không tán thành.

Chiến lược “Bidenomics” được xem là “át chủ bài” mà Tổng thống Joe Biden “đặt cược” trong chiến dịch tái tranh cử. Các nhà kinh tế học nhận định chiến lược “Bidenomics” có những mục tiêu dài hạn quan trọng. Còn trong ngắn hạn, việc thúc đẩy chi tiêu trong một nền kinh tế đã hoạt động gần hết công suất sẽ làm gia tăng lạm phát và việc kiềm chế lạm phát sẽ làm tăng khả năng xảy ra suy thoái.

Thời điểm xảy ra suy thoái và mức độ nghiêm trọng của nó là một trong nhiều yếu tố chưa biết có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử hay không.

Dẫu vậy, với cử tri Mỹ, không có gì thuyết phục cũng như tác động quyết định tới lá phiếu của họ bằng những lợi ích sát sườn, đặc biệt là công ăn việc làm và thu nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống Mỹ công bố chiến lược “Bidenomics“: Kỳ vọng lấy niềm tin của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.