(HNM)- Chuyến thăm Lào của Tổng thống Barack Obama (từ ngày 6 đến 8-9) đã đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ - Lào. Chuyến công du mang tính lịch sử này cũng là cơ hội để nhà lãnh đạo Mỹ củng cố chiến lược xoay trục sang Châu Á trước khi ông rời nhiệm sở vào đầu năm sau.
Tổng thống B.Obama phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ. |
Trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ tới thăm đất nước Triệu Voi, chuyến thăm của ông B.Obama là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang nỗ lực hàn gắn quá khứ chiến tranh để hướng đến đẩy mạnh hợp tác song phương với quốc gia Đông Nam Á này. Trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam những năm 1960-1970, Mỹ đã rải một lượng lớn bom đạn xuống làng mạc và vùng nông thôn của Lào. Chính phủ Lào ước tính Mỹ đã ném tổng cộng hơn 2 triệu tấn bom xuống nước này và cho đến nay, có khoảng 80 triệu quả bom bi vẫn chưa phát nổ. Kể từ năm 2010, Mỹ đã không ngừng gia tăng viện trợ để thực hiện rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân của số bom mìn sót lại. Quốc hội Mỹ đã từng buộc Chính phủ nước này phải cung cấp ít nhất 5 triệu USD cho chương trình, và năm nay số tiền được phân bổ là 19,5 triệu USD. Tuy nhiên, Tổng thống B.Obama tuyên bố Mỹ có trách nhiệm phải làm nhiều hơn nữa. Thế nên, tại cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith tại thủ đô Viêng Chăn ngày 6-9, Tổng thống B.Obama thừa nhận giữa hai nước từng có một quá khứ khó khăn và hy vọng hai bên có thể thảo luận những vấn đề tương lai của mối quan hệ song phương. Theo đó, Mỹ sẽ cấp cho Lào 90 triệu USD trong 3 năm cho chương trình rà phá khoảng 80 triệu quả bom bi do máy bay Mỹ thả xuống Lào trong chiến dịch ném bom bí mật thời chiến tranh Việt Nam.
Trong chuyến thăm Lào đầu tiên này, Tổng thống B.Obama còn tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ, sự kiện mang đậm “dấu ấn B.Obama”. Quan hệ đối thoại giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á đã được khởi động từ năm 1977, nhưng phải đến năm 2010, dưới thời Tổng thống B.Obama, Mỹ mới trở thành một trong những nước đối thoại đầu tiên chính thức lập phái đoàn riêng tại ASEAN, cử Đại sứ Mỹ thường trú bên cạnh ASEAN. Mối quan hệ song phương này được thúc đẩy qua nhiều cơ chế, trong đó khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN được thể chế hóa bằng các cuộc họp thường niên kể từ năm 2013. Tại hội nghị này, Tổng thống B.Obama thảo luận các cách thức nhằm tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á, những nước cùng nhau tạo thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ. Nhân dịp này, người đứng đầu Nhà Trắng cũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), nơi ông sẽ thúc đẩy hợp tác đối phó với các thách thức trong khu vực và toàn cầu.
Chuyến thăm Lào lần này có thể sẽ là chuyến công du cuối cùng của Tổng thống B.Obama đến Đông Nam Á, khu vực đã nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ Mỹ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông. Trong phát biểu đầu tiên khi tới quốc gia 7 triệu dân này, Tổng thống Mỹ B.Obama đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tồn tại lâu dài, bởi lợi ích của Mỹ tại khu vực này là lợi ích quốc gia cơ bản. Các chuyến công du đến những nơi từng ít được Chính phủ Mỹ lưu tâm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được xem là hoạt động trọng tâm trong chính sách của ông B.Obama nhằm thực thi chiến lược xoay trục về khu vực này. Thông qua việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam, Campuchia và Lào, chính quyền của vị tổng thống thứ 44 của Mỹ đã cho thấy quyết tâm tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Việc Tổng thống B.Obama tới Viêng Chăn, trở thành nguyên thủ đầu tiên của Mỹ tới Lào trong những tháng cuối của nhiệm kỳ là một minh chứng cho cam kết về chính sách tái cân bằng mà nước Mỹ đã dành nhiều nỗ lực cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bất chấp những diễn biến phức tạp của nền chính trị thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.