Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng Thanh tra Chính phủ: Khó thu hồi tài sản tham nhũng

Tiến Thành| 05/11/2022 12:22

(HNMO) - Sáng 5-11, trả lời chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra, nhận định khó thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là tài sản kinh tế, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, cần có cơ chế khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải xử lý ngay, tránh tẩu tán, thất thoát tài sản.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Vẫn xảy ra tham nhũng “vặt”

Tại phiên chất vấn, công tác thanh tra nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Thông tin tại phiên chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong 10 năm qua (2012-2022), theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ đã triển khai đồng bộ, toàn diện, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều thông tin về tham nhũng, tiêu cực. Qua thanh tra, đã kiến nghị thu hồi số tiền rất lớn, hơn 461 nghìn tỷ đồng, hơn 75 nghìn héc ta đất, kiến nghị xử lý hơn 44 nghìn tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 1.135 vụ với 1.156 đối tượng; đề xuất kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách còn sơ hở, bất cập.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) chất vấn.

Về thu hồi tài sản tham nhũng được đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) chất vấn, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, trong 9 tháng năm 2022, qua thanh tra đã thu hồi 1.089,0 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 60,3%, gấp đôi năm 2021); xử lý hành chính 1.714 tổ chức, 4.841 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng. Công tác thi hành án xong thực hiện 1.895 việc, tương ứng với hơn 15.989 tỷ đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).

“Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp”, Tổng Thanh tra Chính phủ nhìn nhận và cho biết, điểm mới của công tác thu hồi tài sản tham nhũng là nếu các đối tượng tham nhũng nộp lại tiền thì cũng sẽ được xem xét về thời gian thi hành án.

Liên quan đến việc giải pháp căn cơ xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng do đại biểu Phạm Nam Tiến (Đoàn Đắk Nông) đặt ra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đây là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế.

Về giải pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, cần hoàn thiện cơ chế thu hồi, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải xử lý ngay, tránh tẩu tán, thất thoát tài sản. Trong giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài cần có hợp tác quốc tế về vấn đề này.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh).

Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) về tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện các thủ tục hành chính, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây phiền hà, cố tình kéo dài thời gian trả lời công dân, trả lời chung chung, chưa sát công việc, thậm chí còn có trường hợp vòi vĩnh bằng nhiều cách khác nhau để vụ lợi cá nhân.

“Qua thanh tra, còn phát hiện nhiều bộ, ngành vẫn còn giấy phép con”, ông Đoàn Hồng Phong nói.

Lực lượng mỏng, năng lực còn hạn chế

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng cho biết, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ được giao nhiều nhiệm vụ đột xuất, ngoài kế hoạch thanh tra hằng năm như năm 2022 giao thanh tra mua sắm thiết bị y tế phòng, chống Covid-19; thanh tra phát hành và sử dụng trái phiếu doanh nghiệp; thanh tra quản lý, kinh doanh xăng dầu....

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, biên chế công chức của Thanh tra Chính phủ chỉ có 408 người, trong đó, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng khoảng hơn 200 người nên rất khó khăn. Cùng với việc khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng thanh tra, nhất là Thanh tra Chính phủ rất mỏng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, ý thức trách nhiệm của một số thành viên đoàn thanh tra, kỹ năng, năng lực còn hạn chế hay chưa hết trách nhiệm cũng là những yếu tố khiến chậm ban hành kết luận thanh tra.

Đáng chú ý, qua thanh tra nội bộ trong giai đoạn 2012-2022, ngành Thanh tra đã xử lý 833 vụ với 1.140 đối tượng tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng.

Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời về vấn đề đạo đức công vụ của đội ngũ làm công tác thanh tra do đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ đã ban hành nghị quyết, trong đó quy định những điều nghiêm cấm cán bộ thanh tra như không được nhận tiền, quà, giao lưu dưới bất cứ hình thức nào đối với đối tượng thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng mong muốn, đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước giám sát cán bộ thanh tra; nếu phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định. Thanh tra Chính phủ cũng sẽ ban hành quy chế tổ chức hoạt động đoàn thanh tra nhằm nâng cao trách nhiệm, ngăn chặn sai phạm về đạo đức công vụ trong ngành Thanh tra.

Đối với phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra được đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, cần tuân thủ nghiêm túc quy định về điều đảng viên không được làm; làm gương, tạo khí thế động lực cho cán bộ trong ngành. Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục sửa đổi quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn, từng bước giải quyết một số hạn chế như hiện tượng gây phiền hà, nhũng nhiễu, trục lợi trong quá trình công tác…

Quang cảnh phiên chất vấn.

Về vấn đề trích một phần tài sản thu hồi cho hoạt động thanh tra được đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, kinh phí trích kết quả thanh tra được đầu tư trở lại cho lực lượng thanh tra các cấp và động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích.

“Tuy nhiên, nếu như thu được thì làm thủ tục để trích, còn không thu đủ thì sẽ giảm chi tương ứng”, ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh và cho biết nguồn trích này rất eo hẹp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổng Thanh tra Chính phủ: Khó thu hồi tài sản tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.