Ngày 20-12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị.
Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm; nhu cầu suy giảm đã tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam. Trong nước, tình hình sản xuất, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế suy yếu sau giai đoạn Covid-19, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp…
Trong bối cảnh đó ngành Công Thương tiếp tục đạt những kết quả đáng ghi nhận. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.
Hoạt động thương mại trong nước tiếp tục phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%).
Tuy nhiên, ngành cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại như: Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ bắt đầu phục hồi từ cuối quý III trở lại đây. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn, chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa…
Trong năm 2024, ngành đặt ra mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7-8%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9%...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, ngành Công Thương đang đi đầu với hai trụ cột để đổi mới và phát triển đất nước, những công việc của ngành Công Thương đã triển khai trong những tháng đầu năm 2023 mang tính cách mạng, đổi mới và thử thách.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương thẳng thắn nhận diện những khó khăn thách thức, những tồn tại, bất cập để xác định giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Phó Thủ tướng giao các nhiệm vụ cụ thể để ngành Công Thương tập trung hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện Kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai bảo đảm tiến độ đối với các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện, đặc biệt các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, đưa vào vận hành trong tháng 6-2024; Chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn, Nhiệt điện Quảng Trạch...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả phát triển các ngành điện, dầu khí, than bền vững, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia; thực hiện chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu phát thải carbon gắn với phát triển năng lượng sạch, tái tạo, chủ động tận dụng, phát huy có hiệu quả hỗ trợ về khoa học, tài chính xanh thông qua các cơ chế hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP và sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050; thí điểm triển khai các các dự án trang trại điện gió ngoài khơi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.