(NSHN) - Ngày 28-4-2023, UBND phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm cùng các đơn vị liên quan tổ chức Lễ dâng hương và khai mạc các hoạt động tôn vinh, quảng bá nghề thủ công da, giầy tại đình Phả Trúc Lâm.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Vũ Tuấn Anh cho biết, UBND phường Hàng Trống phối hợp với Viện Nghiên cứu Da - Giầy, Hội Da Giầy thành phố Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu phát triển làng nghề Da - Giầy Việt Nam đã tổ chức Lễ dâng hương cùng với các hoạt động trưng bày sản phẩm, trình diễn kỹ thuật nghề thủ công da - giầy.
Đình Phả Trúc Lâm tọa lạc ở số 40 phố Hàng Hành được xây dựng từ thế kỷ XIX, thờ tổ nghề giày da vẫn được những người làm nghề tìm về, họ coi đó là điểm tựa tinh thần trong sự nghiệp của mình.
Sử sách xưa kia có ghi lại rằng, ông tổ của làng nghề da giầy là Nguyễn Thời Trung và ba người bạn cùng quê ở làng Trúc Lâm, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, làm quan dưới thời nhà Mạc. Trong lần đi sứ bên Trung Quốc, các ông đã bí mật học được nghề thuộc da của người Hàng Châu nổi tiếng, sau đó, các ông đã mang nghề về truyền dạy cho dân làng Trúc Lâm làm kế sinh nhai. Kể từ đó, trải qua bao tháng năm, nghề ngày một phát triển hưng thịnh.
Sau này, khi các ông qua đời, nhân dân trong làng đã tôn vinh các ông làm tổ nghề da giầy. Cho đến nay những người dân quê lên Hà Nội làm nghề thủ công hoặc buôn bán vẫn gắn bó với nghề về mặt vật chất cũng như về mặt tinh thần. Họ mang lên đây đức tin và cả tục thờ cúng ông tổ nghề, từ đó họ xây lên ngôi đình.
Vào thế kỷ thứ XVII, những người thợ giầy giỏi của Hải Dương đã mang nghề lên làm ăn sinh sống ở đất Thăng Long kinh kỳ. Họ mở cửa hiệu trên các con phố Hàng Hành và Hàng Giầy khi đó… Nghề da giày đã từng bước phát triển và những người thợ da giày đã quần tụ, lập ấp, lập phường, bắt tay vào xây dựng đình Phả Trúc Lâm để tôn vinh tổ nghề của mình.
Nghề thuộc da và kinh doanh da giày là một trong bách nghệ (trăm nghề) của đất kinh kỳ. Cùng với các ngành nghề khác, nghề thuộc da xưa đã thu hút khá nhiều thợ thủ công theo học, đến nay nghề này đã xuất hiện ở Hà Nội khoảng 500 năm.
Các vị tổ nghề được tôn thờ là: Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung và ba người bạn cùng quê là các ông Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính, Nguyễn Sĩ Bân. Bốn ông đều sống dưới triều Lê - Mạc (thế kỷ XV).
Đình Phả Trúc Lâm ban đầu được người dân xây dựng bằng tre nứa, sau thời kỳ chiến tranh, đình được tu bổ xây dựng thêm. Ngày 16-1-1999 đình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Sự kiện tôn vinh, quảng bá nghề thủ công da - giầy tại Đình Phả Trúc Lâm diễn ra trong 2 ngày, 28 và 29-4.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.