Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có tổng số vốn thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).
Đó là một nội dung được đưa ra tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP, văn bản quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục vừa được Chính phủ ban hành ngày 6-6.
Mục 3 quy định chi tiết điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài.
Theo đó, ngoài việc đáp ứng “vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng”, thì đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư dự án thực hiện việc chứng minh tài chính theo Luật Đầu tư.
Theo quy định cũ, các dự án mở trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất là 150 triệu đồng/sinh viên; tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất, nhưng không thấp hơn 300 tỷ đồng.
Như vậy, quy định mới đã yêu cầu cao hơn về điều kiện vốn đầu tư.
Còn dự án đầu tư thành lập phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại VN phải có vốn tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.
Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại, hoặc phía đối tác Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất, thì số vốn đầu tư tối thiểu cần đạt từ 70% của các quy định tương ứng nêu trên.
Nghị định mới ban hành này cũng đặt ra điều kiện về giảng viên cao hơn. Theo đó, giảng viên ít nhất phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không ít hơn 50% tổng số giảng viên cơ sở, trừ những ngành đặc thù do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định. Còn ở quy định cũ, tỉ lệ tiến sĩ yêu cầu là không ít hơn 35%.
Quy định về tỉ lệ sinh viên/giảng viên tối đa vẫn giữ như hiện hành, tức là 10 (ngành năng khiếu), 15 (ngành khoa học kỹ thuật) và 25 (ngành khoa học xã hội, nhân văn, kinh tế, quản trị kinh doanh). Tỷ lệ giáo viên cơ hữu tối thiểu là 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-8-2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.