Dù chỉ là
Người mẫu Huỳnh Phạm Ngọc
- Bố chị đã ra đi trong hoàn cảnh như thế nào?
- Lúc đó tôi 5 tuổi, em trai thì mới sinh. Tôi không hiểu ba mẹ có những xung đột như thế nào để phải chia tay, chỉ biết ba mẹ không còn ở với nhau nữa. Tôi chuyển đi ở với ba được vài tháng, lại về ở với mẹ vài tháng. Rồi ba có vợ mới, chuẩn bị đi nước ngoài. Thấy tình cảm ba dành cho mình không còn như trước, mẹ lại nuôi em một mình nên tôi chuyển về ở với mẹ.
Mẹ đã rất cực khổ để nuôi chị em tôi. Thời gian còn ở với ba, mẹ mở shop may đồ, sau khi chia tay, mẹ sốc rồi bị té, nên chỉ may ở nhà cho những người khách trong xóm. Lúc đó còn bé quá nên ngoài việc học, tôi chỉ có thể giúp mẹ trông em.
- Khi biết nhận thức và biết đòi hỏi, chị nghĩ gì về hoàn cảnh của mình?
- Hồi bé đi học, mỗi lần tan trường, bạn bè có ba mẹ đón, mình thì lủi thủi đi về, tôi tủi thân và mặc cảm. Nhưng lại thương mẹ, vì mẹ phải may ngày đêm mới đủ tiền nuôi hai chị em tôi. Tuổi thơ của tôi không được đầy đủ như người ta, nhưng đến giờ thì tôi đã nghĩ khác.
Không biết những người có hoàn cảnh giống tôi thế nào, còn tôi được mẹ cho đầy đủ tâm lý, tinh thần và nghị lực. Trong nhà, ăng ten hư, điện hỏng, bóng đèn cháy... đều một tay mẹ sửa hết. Hôm rồi trời mưa to quá, nhà bị dột, nghĩ mẹ không thể leo lên nóc nhà lợp lại mái được, thế mà mẹ vẫn xắn quần leo lên nóc nhà.
Chính mẹ cho tôi sự cứng rắn hơn những cô bé 17 khác. Khi có chuyện xảy ra, tôi không mềm yếu, khóc sướt mướt hay nũng nịu, mà luôn nhìn thẳng và giải quyết nó. Tôi không muốn nhờ mẹ vì đã có quá nhiều chuyện đến với mẹ.
- Chị nghĩ gì về bố?
- Nếu hai chị em có sự nuôi dạy của cả ba và mẹ vẫn tốt hơn. Ba sẽ là tấm gương, là niềm tự hào của tôi, đằng này ba lại bỏ đi trong lúc tôi còn nhỏ, mẹ lại mới sinh em. Tôi nghĩ như vậy là không tốt. Tôi với em trai là con của ba, vậy mà ba lại bỏ đi trong khi mẹ phải khổ sở nuôi hai chị em tôi. Nếu có ba, em trai tôi lớn lên sẽ được chỉ dạy những điều thuộc về người đàn ông. Còn với tôi, mẹ đã chỉ cho tôi rất nhiều.
Tôi cũng không hiểu vì sao mẹ lại cứng rắn đến như vậy? Tôi thấy mẹ rất cực, nhưng chưa bao giờ thấy mẹ nhận tiền của ba. Có lần mẹ nói: "Dù có chết đói mẹ cũng không nhận tiền của ba". Tôi không hiểu vì sao? Có thể đó là lòng tự trọng của người phụ nữ khi người đàn ông bỏ đi. Có những lúc tôi cần hơi ấm của ba trong nhà, nhưng không có. Còn bây giờ thì muộn rồi. Tôi đã quen với cuộc sống chỉ có mẹ và em trai.
- Vì sao mẹ chị không đi bước nữa, biết đâu sẽ có thêm một sự chia sẻ?
- Khi mới ly dị ba, thấy mẹ còn trẻ đẹp, nhiều người đã khuyên mẹ đi bước nữa. Cũng có lần tôi hỏi mẹ: "Ba đã lấy vợ, sao mẹ không lấy chồng đi?", nhưng mẹ nói: "Nếu người đàn ông đó thương mẹ, thương hai đứa tụi bay thì không nói làm gì. Nhưng họ không thương thì sao? Tự nhiên lại làm khổ hai đứa. Thôi thì mẹ ráng cực khổ một chút, nhưng các con được bình an". Vì lựa chọn như vậy, nên có những buổi sáng tôi ngủ dậy, thấy mẹ đang ngồi may, chiều đi học về mẹ vẫn ngồi may, đêm tôi rủ mẹ đi ngủ mà mẹ vẫn nhất quyết không rời bàn may...
- Sự thiệt thòi của mẹ ám ảnh chị thế nào về hạnh phúc sau này?
- Cũng có lần tôi hỏi mẹ: "Liệu sau này con có bị chồng bỏ khi đang sinh con không?". Mẹ nói không có đâu, lúc đó mình phải biết chiều chồng, ngọt ngào với chồng. Phụ nữ phải chịu thiệt thòi mới mong giữ được mái ấm gia đình. Tôi không biết mình có chiều chồng được như mẹ nói không, nhưng nếu sau này tôi lấy chồng, anh ta phải thương mẹ và em trai tôi, tôi mới chịu.
- Sự thiếu thốn người chồng của mẹ, sự vắng bóng người cha ảnh hưởng thế nào tới hình ảnh người đàn ông trong mắt chị so với những thiếu nữ mới lớn khác?
- Trong gia đình, mẹ đã hoàn thành xuất sắc vai trò người đàn ông và người đàn bà. Từ mẹ tôi thấy, dù không có chồng kế bên, người đàn bà vẫn làm việc và nuôi con được. Có gì đâu khi không có đàn ông?Sau này tôi cũng không cần thiết phải có đàn ông trong nhà. Mai mốt lớn lên, tôi có thể đi làm để lo cho mẹ, cho em trai. Tôi không cần sự bao bọc của người đàn ông. Tôi thấy đàn ông cũng bình thường lắm.
- 17 tuổi mà nói không cần đàn ông thì có lẽ quá sớm. Chị nói sao?
- Vì chưa có bạn trai nên tôi cũng... không biết nữa. Nhưng đối với tôi, dù thế nào thì hình ảnh người đàn ông không có gì để phải đến mức tôn thờ. Tôi tôn thờ những người đàn bà giỏi giang, đảm đang, thành công trong sự nghiệp hơn là những người đàn ông giàu có, đẹp trai.
- Nhưng ít nhất cũng phải có một hình ảnh đẹp nào đó của phái mạnh trong mắt chị chứ?
- Có thể không hợp tự nhiên, nhưng đàn ông sống trong cảnh "gà trống nuôi con" là hình ảnh đẹp trong mắt tôi. Còn người đàn ông bỏ vợ là xấu. Tôi không thích người đàn ông có hai mặt con rồi mà vẫn bỏ vợ đi theo người đàn bà khác. Tôi thích người thông minh, chung thủy.
- Phải chăng vì thế mà chị vẫn chưa yêu?
- Đó chỉ là một phần, quan trọng là tôi thấy mấy đứa bạn của mình yêu vào rồi bị chi phối chuyện học hành, chưa kể chuyện có bầu. Như thế rõ là không tốt. Tôi mới 17 tuổi nên chưa hề có tâm trạng để yêu. Ai có tình ý gì với tôi, hoặc tôi sẽ tránh mặt, hoặc sẽ từ chối thẳng, nếu không xong tôi sẽ nhờ mẹ can thiệp. Bởi điều quan trọng nhất của tôi bây giờ là học thật tốt.
Tôi không muốn còn ít thời gian ở Việt Nam mà lại đi chơi. Tháng này là hè, tôi học thêm về đồ họa, học thêm tiếng Anh. Tôi nghĩ phụ nữ thời nay rất cần học thức, sự nghiệp, lúc đó có đàn ông hay không cũng không quan trọng nữa. Vì mình đâu chỉ lấy chồng rồi sinh con mà còn rất nhiều việc phải làm, chẳng thua kém gì đàn ông.
- Nếu muốn dành thời gian cho học tập, sao chị còn tham gia sàn diễn thời trang, sau đó lại bỏ để theo học ngành Thiết kế đồ họa (Graphic Design) ở Mỹ?
- Tôi thường tham gia thời trang vào thứ bảy, chủ nhật, vừa được làm việc mình thích mà lại có thêm tiền trang trải cho việc ăn học. Cũng có người hỏi tôi đã trở thành siêu mẫu, sao không ở lại Việt Nam diễn thời trang, biết đâu sẽ nổi tiếng? Tôi cũng muốn được nổi tiếng lắm, nhưng lại nghĩ sau 5 năm mình sẽ như thế nào, trong khi mình đang đam mê với việc học. Bây giờ còn trẻ không học, mai mốt lớn tuổi sẽ mất ý chí. Hơn nữa, tôi muốn được nhìn nhận là người mẫu tài năng và trí thức.
- Theo chị nói mẹ chị khá vất vả nuôi hai chị em, sao chị lại có tiền sang Mỹ du học?
- Số tiền này do bác tôi đầu tư. Khi về nước thấy mẹ vất vả, con gái lại chịu học và học giỏi nên bác muốn thay mẹ lo cho tôi. Mặc dù là bác ruột, nhưng tôi nghĩ ráng học thật tốt, sau này ra trường đi làm sẽ trả lại bác.
- Khá nhiều người nuôi giấc mơ nhập cư vào Mỹ, còn chị thì sao?
- Ở Mỹ có nhiều người làm Graphic Design, nhưng ở Việt Nam nghề này đang thiếu, và tôi muốn sau này được làm thiết kế cho các công ty lớn, hoặc các tờ báo, tạp chí giải trí lớn của Việt Nam. Các trang web của Việt Nam chưa có gì đặc biệt, trong khi nhìn vào trang web của nước ngoài là thấy được đẳng cấp của họ. Mơ ước của tôi là đem những gì học được từ Mỹ về ứng dụng ở Việt Nam.
Theo Đàn Ông
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.