(HNM) - Sau hơn 32 năm chờ đợi kể từ khi chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu bị lật đổ tại Campuchia năm 1979, một tòa án xét xử tội ác của những kẻ cầm đầu vừa được mở ra tại thủ đô Phnom Penh ngày 27-6 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Bốn nhân vật chóp bu đã từng cùng Pol Pot tạo nên chương đen tối trong lịch sử dân tộc Campuchia gồm: Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Sary và vợ là Ieng Thirith đã phải ra trước vành móng ngựa để đối mặt với những tội ác do họ gây ra dưới thời Khmer Đỏ cầm quyền từ năm 1975-1979.
Bốn nhân vật chóp bu dưới thời Khmer Đỏ (từ trên xuống, trái qua phải): Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Sary và vợ là Ieng Thirith bị xét xử tại Campuchia. |
Diễn ra đúng một năm sau khi phiên tòa lịch sử đầu tiên của Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) ở Campuchia tuyên án 35 năm tù giam với Kaing Guek Eav - kẻ cầm đầu nhà tù Toul Sleng (S 21) khét tiếng dưới thời Khmer Đỏ với biệt danh là "Duch", phiên tòa thứ hai được trông đợi từ lâu này tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Cũng như tên Duch, cùng với tội ác chống lại loài người và chà đạp Công ước Geneva năm 1949 khi tiến hành thảm sát, tra tấn cũng như ngược đãi tôn giáo, trong đó cả tội ác với những người Chàm ở Campuchia và người Việt Nam, bốn kẻ tay chân của Pol Pot này còn bị cáo buộc các tội ác diệt chủng. Trong phiên xét xử kéo dài 4 ngày này, tòa án sẽ nghe phần buộc tội của các nhân chứng và các tổ chức dân sự cũng như đại diện của các nạn nhân với các bị cáo.
Không chỉ được coi là nhà lý luận của Khmer Đỏ, "anh hai" Nuon Chea 84 tuổi, chỉ đứng sau Pol Pot, chính là kẻ cầm đầu bộ máy an ninh mật, trực tiếp chỉ huy nhà tù khét tiếng S 21 - nơi giam giữ khoảng 16.000 tù nhân và hầu hết đã bị hành quyết tại khu giết người tập thể Chong Ek. Nếu như Khieu Samphan là bộ mặt đối ngoại che đậy các tội ác của cái gọi là "Nhà nước Campuchia dân chủ" do Khmer Đỏ lập nên, Ieng Sary lại đóng vai trò quan trọng trong cuộc tàn sát người dân Campuchia. Tỏ ra không thua kém trong bản "thành tích" tội ác so với đồng bọn, Ieng Thirith là kẻ đứng sau hàng loạt vụ bắt giữ và giết hại nhiều người trong Bộ Xã hội và y tế do nhân vật này đứng đầu.
Bất chấp những tội ác không thể dung thứ, mà cái chết của gần 2 triệu người - chiếm 1/4 dân số Campuchia vào thời điểm đó là minh chứng rõ nhất cho những gì mà Khmer Đỏ từng gây ra, cả bốn bị cáo vẫn ngang nhiên phủ nhận những lời cáo buộc. Với thái độ bất hợp tác của những kẻ giết người chuyên nghiệp một thời, dư luận Campuchia quan ngại phiên tòa sẽ phải kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Đặc biệt với lý do tuổi đã quá cao, (Nuon Chea - 84 tuổi, Khieu Samphan - 79 tuổi, Ieng Sary - 85 tuổi và Ieng Thirith - 79 tuổi), có thể các bị cáo sẽ chết trước khi bản án được tuyên. Thực tế này đã từng xảy ra tại Campuchia khi kẻ đứng đầu Pol Pot chết năm 1998, trong khi Ta Mok - biệt danh "Đồ tể" - bị bắt giữ năm 1999 để chờ hầu tòa cũng đã chết năm 2006 khi chưa kịp xét xử.
Muộn còn hơn không, công lý phải được thực thi, đó là mong muốn lớn nhất của hàng nghìn người dân Campuchia tham dự phiên tòa cũng như hàng triệu người theo dõi phiên tòa qua truyền hình trực tiếp. Cùng với bản án 35 năm tù giam dành cho cựu giám đốc nhà tù khét tiếng S 21 Duch, phiên tòa này có ý nghĩa quốc tế thực sự khi nó nhận được sự quan tâm của dư luận thế giới. Một phiên tòa được xét xử công khai không chỉ giúp đòi lại công lý cho những người đã mất, những nạn nhân may mắn còn sống sót, mà còn được người dân Campuchia ví như liều thuốc có thể chữa lành những vết thương mà đất nước Chùa Tháp từng phải hứng chịu dưới thời Khmer Đỏ cầm quyền.
Việc đưa những tên cầm đầu của chế độ Khmer Đỏ ra xét xử công khai là nỗ lực không nhỏ của Chính phủ Campuchia cũng như cộng đồng quốc tế, nhằm thực thi công lý. Đất nước Campuchia đang hồi sinh từng ngày sau hơn ba thập kỷ, song chỉ khi nào những kẻ gây ra tội ác được đưa ra phán xét công khai và chịu những hình phạt sòng phẳng với quá khứ, người dân đất nước Chùa Tháp mới nguôi ngoai nỗi ám ảnh về "những cánh đồng chết", nhà tù S 21... để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.