Sáng nay, 28-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng.
Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng,
Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các đồng chí, các đại biểu,
Như đã thành thông lệ quý báu, hôm nay, chúng ta vui mừng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến tham dự hội nghị và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Chính phủ cũng vui mừng đón đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương cùng tham dự hội nghị quan trọng hôm nay.
Thưa các đồng chí,
Nhớ lại 5 năm trước, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. Hôm nay, nhìn lại cả chặng đường đã đi, tôi vui mừng được chia sẻ rằng đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, biên cương, bờ cõi được giữ vững, niềm tin được củng cố, niềm tự hào với bè bạn năm châu được nhân lên. Trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là nước chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Trong suốt hành trình 5 năm, Chính phủ đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, những góp ý thẳng thắn, cụ thể của các đại biểu Quốc hội, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các cơ quan tư pháp; sự ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong huy động, phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.
Riêng năm 2020, dưới tác động của Covid-19, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam chúng ta là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương. Dịch bệnh trong nước được kiểm soát vững chắc, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế; an sinh xã hội được bảo đảm, văn hóa, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thông tin truyền thông đạt nhiều kết quả ấn tượng, công tác tuyên giáo, dân vận chính quyền phát huy được nhiều ảnh hưởng và sức lan tỏa trong cán bộ, công chức và nhân dân. Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Nhìn rộng hơn, chúng ta không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội.
Như câu ngạn ngữ, thành công không chỉ được đo bằng những gì đạt được mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua. Với những thành quả đặc biệt đó, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ của chúng ta về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tương lai đất nước, cơ đồ dân tộc không ngừng được củng cố và vun đắp. Nó cho thấy, những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là những dịp bản sắc của tinh thần dân tộc ta lại trỗi dây, đó chính là sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Sự kiện hôm nay không chỉ tổng kết năm 2020 mà còn cả 4 năm trước đó của nhiệm kỳ. Các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; báo cáo về kiểm điểm điều hành, báo cáo về dự thảo Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ. Tôi chỉ xin tập trung phân tích rõ hơn một số vấn đề đặt ra của đất nước ta trong những năm tới một cách cô đọng nhất.
Kính thưa các đồng chí,
Trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi Covid-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ Đại suy thoái 1929-1932, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%. Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD - đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
Chúng ta vui mừng nhận thấy tăng trưởng nay đã bao trùm hơn rất nhiều, không chỉ ở đô thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở đồng bằng mà còn miền núi, biên giới, hải đảo. Chúng ta cũng chứng kiến những con số tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi bên cạnh các địa phương truyền thống. Có thể nói, chính sự tăng trưởng bứt phá của các địa phương mới nổi là nhân tố truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác tự tin vượt lên chính mình.
Ở góc nhìn khác, tăng trưởng kinh tế nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, dù là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay FDI, mà vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước như tinh thần Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa 12). Chúng ta cũng không tập trung vào một vài ngành kinh tế nào mà nay công nghiệp, dịch vụ, và đặc biệt là nông nghiệp đều cùng giữ vai trò và đóng góp quan trọng. Trong ngoại thương, nhờ nhiều hiệp định FTA, Việt Nam đã không quá tập trung vào một vài thị trường truyền thống; đồng thời chú trọng hơn nữa thị trường trong nước. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt kết quả ấn tượng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra; chi NSNN chặt chẽ hơn, tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Kính thưa các đồng chí,
Tăng trưởng GDP có nhiều ý nghĩa vì phía sau đó là những nỗ lực bền bỉ của những ngày lao động cần cù, vất vả của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, GDP không tính đến tuổi thọ và sức khỏe của người dân, không đo lường được sự tận tụy, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, không đong đếm được tình người trong bão lũ ở miền Trung và đại dịch Covid-19 vừa qua và không thể phản ánh đầy đủ được bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Đó là lý do chúng ta bổ sung nhiều tiêu chí khác, nhất là việc làm và thu nhập. Trong 5 năm qua, nền kinh tế nước ta đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, trong đó bao gồm những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Nhờ có việc làm tốt hơn, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD.
Thu nhập là một tiêu chí quan trọng nhưng chúng ta chứng kiến, có những quốc gia có thu nhập tăng nhưng tuổi thọ của người dân không tăng, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh hay tỷ lệ học vấn của người dân không được cải thiện. Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Tuổi thọ trung bình của người dân chúng ta nay đã tăng lên gần 74 tuổi. Theo UNICEF, chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao tỷ lệ sống sót của trẻ dưới 5 tuổi.
Trong báo cáo gần đây của UNDP, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã được xếp vào nhóm phát triển cao của thế giới. Kinh tế phát triển nhanh nhưng tình trạng bất bình đẳng được kiểm soát tốt, cả bình đẳng về thu nhập lẫn bình đẳng giới. Việt Nam cũng đạt được nhiều thành quả vô cùng ý nghĩa về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 3% so với 10% của 5 năm trước. Cách đây hơn 1 năm, tôi rất cảm động khi đọc tin thấy cụ bà Đỗ Thị Mơ ở Thanh Hóa, dù đã 83 tuổi nhưng vẫn đạp xe lên xã xin trả lại sổ hộ nghèo. Tinh thần của cụ là tấm gương có sức lan tỏa trong cả nước.
Về giáo dục, Đảng và Nhà nước ta luôn thống nhất quan điểm "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển", xem "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu". Mỗi năm, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục không thấp hơn 20% tổng chi ngân sách, tương đương trên 5,7% GDP, thuộc nhóm cao trên thế giới. Chất lượng giáo dục nhìn chung được nâng lên. Việt Nam tiếp tục giữ vững truyền thống xưa nay là giành nhiều thành tích quan trọng ở các kỳ thi khu vực và quốc tế.
Bên cạnh giáo dục, Đảng và Nhà nước ta cũng đã đầu tư và thực hiện ngày một tốt hơn các chính sách chăm sóc y tế cho nhân dân. Nếu không nhờ sự quan tâm và đầu tư đó, chúng ta rất khó đạt được những thành quả trong phòng, chống dịch vừa qua. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia có mô hình chống dịch hiệu quả hàng đầu trên thế giới. Thành quả chống Covid-19 có được là ý chí của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn dân và đã phần nào cho thấy tính hiệu quả của hệ thống y tế công cộng mà Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư. Cùng với đó, chính sách bảo hiểm y tế đang đóng vai trò rất lớn trong mạng lưới an sinh xã hội. Nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không may mắc bệnh hiểm nghèo, rất cần sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế.
Chúng ta cũng vui mừng nhìn thấy sự thay đổi nhanh chóng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân trên mọi miền Tổ quốc. Đô thị hóa đang lan tỏa mạnh mẽ. Chương trình nông thôn mới đã đem lại nhiều thay đổi rất tích cực. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã ưu tiên nguồn lực ngân sách đáng kể để đầu tư kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế và các thiết chế văn hóa… vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, thực hiện chính sách giảm nghèo, vừa phục vụ đời sống người dân. Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận những đóng góp quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đã được triển khai trên cả giác độ tái cơ cấu kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Song song, chúng ta đã và đang ngày càng quan tâm, đề cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa vật thể lẫn phi vật thể của dân tộc ta.
Kính thưa các đồng chí, các đại biểu,
Trong các chương trình nghị sự, Chính phủ đặt quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm. Chính phủ đã đưa nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia lên Nghị quyết số 02, chỉ sau Nghị quyết 01 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực được bảo đảm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ đang trở thành xu hướng; xuất khẩu nông sản đạt hơn 41 tỷ USD. Công nghiệp chuyển biến theo chiều sâu với tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 23% lên 50% trong cùng kỳ. Nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học, công nghệ cao như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử phát triển khá nhanh.
Bên cạnh kinh tế Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chúng ta cũng vui mừng chứng kiến khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam ngày càng lớn mạnh trở thành mũi nhọn tại một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng. Doanh nghiệp của Việt Nam đang dần chiếm lĩnh một số vị trí then chốt của nền kinh tế. Chúng ta cũng vui mừng khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, sáng tạo, nắm bắt và làm chủ các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hay thương hiệu Việt Nam, Made in Việt Nam đã vươn ra thị trường toàn cầu.
Mới đây, một hãng định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh đã định giá thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm ngoái, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 (tăng 9 bậc) trong tốp 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Đây không phải là kết quả mới mà liên tục 4 năm qua, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng một cách vững chắc nhờ những nỗ lực của Việt Nam về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á với những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP.
Kính thưa các đồng chí, các đại biểu,
Hệ thống tài chính của chúng ta đã lâu rồi mới tạo lập lại sự ổn định hiếm có như những năm qua. Thị trường chứng khoán tăng trưởng đạt điểm kỷ lục lịch sử với 1.200 điểm vào tháng 4-2018. Quy mô vốn hóa thị trường đạt trên 100% GDP, trong đó cổ phiếu đạt gần 70% GDP, giúp bổ sung khoảng trên 120 tỷ USD vào tài sản quốc gia so với cách đây 5 năm. Giá trị tài sản của các ngân hàng tiếp tục tăng lên; năng lực tài chính, độ vững mạnh và an toàn hệ thống tiếp tục được củng cố, tỷ lệ nợ xấu thấp. Việc điều hành chính sách tiền tệ đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, đặc biệt là các công cụ chính sách được sử dụng linh hoạt, thận trọng, bám sát các tín hiệu của thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Chính sách tỷ giá phản ánh các quan hệ cung của thị trường hối đoái, sức mua của tiền đồng so với các đồng tiền quốc tế được duy trì, giúp đạt được mục tiêu ổn định vĩ mô.
Cán cân thanh toán quốc tế, nhất là cán cân vãng lai, trong đó đặc biệt là cán cân thương mại hàng hóa liên tục thặng dư trong suốt 5 năm qua nhờ những lợi thế cạnh tranh có tính cơ cấu, và nhờ sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều hành tỷ giá của Việt Nam không nhằm mục tiêu duy trì lợi thế xuất khẩu mà phản ánh khách quan các quan hệ của thị trường.
Cùng với cân đối bên ngoài tốt, cân đối bên trong cũng được cải thiện tích cực. Tỷ lệ bội chi ngân sách và nợ công đều được kéo giảm xuống mức an toàn hơn, nhờ đó không gian tài khóa và dư địa chính sách của chúng ta được nâng lên đáng kể. Chính dư địa này đã trở thành bệ đỡ, giúp nền kinh tế vượt qua muôn vàn khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh do Covid-19 vừa qua. Ở góc độ người dân và doanh nghiệp, cũng như toàn xã hội nhờ có sự tích lũy sau những năm tăng trưởng tốt và việc làm ổn định mà hoạt động được duy trì, phúc lợi được giữ vững. Hệ số tín nhiệm của Việt Nam được nâng lên ở mức triển vọng ổn định, trong khi rất nhiều quốc gia trên thế giới bị hạ bậc hoặc hạ triển vọng do dịch bệnh Covid-19 và những vấn đề về cơ cấu.
Kính thưa các đồng chí,
Bất luận trong hoàn cảnh nào, Chính phủ đều nhận diện những hạn chế, khó khăn mà nền kinh tế nước ta đang gặp phải, chẳng hạn tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững. Công ăn việc làm của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, nhất là ở vùng nông thôn, khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức. Mặt bằng thu nhập vẫn còn thấp và thiếu ổn định, nhất là dưới tác động của Covid-19. Nhiều địa phương đang tăng trưởng nhanh nhưng không phải địa phương nào cũng tìm được động lực tăng trưởng tương xứng với tiềm năng, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, miền núi, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn chung vẫn còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp. Các vấn đề cơ cấu của nền kinh tế, những nút thắt về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh… vẫn còn nhiều trở ngại, mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản.
Trong khi đó, chất lượng giáo dục, y tế và các chính sách xã hội của chúng ta nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đô thị hóa phát triển nhưng chúng ta vẫn còn những khu nhà lụp xụp, quá tải. Những vấn đề sát sườn với đời sống người dân như tai nạn giao thông, an ninh trật tự, tội phạm xã hội, ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi, nhiều giá trị xã hội bị suy giảm; nhất là tình trạng suy nghĩ lệch lạc, mất định hướng giá trị, sống thiếu hoài bão, thiếu lý tưởng trong một bộ phận giới trẻ. Ô nhiễm môi trường và tác động do biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện rõ.
Mọi người đều xót xa khi mỗi năm có nhiều trẻ em bị bạo lực, xâm hại và đuối nước. Chúng ta cũng còn nhiều cụ già neo đơn, không người chăm sóc…
Kính thưa các đồng chí, các đại biểu,
Nhìn lại những đánh giá cách đây 5 năm, không ai nghĩ rằng, kinh tế thế giới lại rơi vào suy thoái nghiêm trọng như hiện nay, thậm chí cách đây chỉ 1 năm, từ khi dịch Covid-19 chưa hề xuất hiện trong từ điển của con người. Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo… cũng là những từ khóa thường xuất hiện trong những năm qua. Nhiều người cũng đã nói nhiều đến những thay đổi không chỉ về mặt công nghệ, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn các mô thức kinh doanh mới, những loại hình việc làm mới và cả những thay đổi trong cấu trúc xã hội, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số và cả biến đổi khí hậu cực đoan…
Trong số những thay đổi đó, có những thay đổi tích cực, mang lại nhiều đột phá để giải phóng sức lao động của con người, làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn, chẳng hạn như các đột phá trong y học ghép tạng giúp con người có thể sống khỏe mạnh và thọ hơn. Hay đơn cử là việc các nhà khoa học hiện nay chỉ mất gần 1 năm để tìm ra vắc xin Covid-19 trong khi thường cần khoảng 10 năm. Việt Nam chúng ta cũng bắt đầu tiến hành những thử nghiệm lâm sàng về vắc xin Covid-19 trên người, qua đó cho thấy nền y học của nước nhà không thua kém nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển. Tuy nhiên, cũng có những thay đổi làm phát sinh nhiều rủi ro và làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng, nguy cơ mất việc làm và sự suy giảm thu nhập. Các doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng dịch chuyển đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Chúng ta cũng nhìn thấy nhiều thách thức của biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong số 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tượng "lũ chồng lũ, bão chồng bão" hiếm có ở miền Trung mới đây là một ví dụ; hoặc tình trạng hạn hán, sa mạc hóa ở Nam Trung Bộ; tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… Tuy nhiên, dù chúng ta có lo ngại hay lạc quan, muốn hay không muốn thì những thay đổi ấy vẫn đang diễn ra. Trách nhiệm của Nhà nước là phải kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tối đa những thiệt hại cho người dân và nền kinh tế. Đồng thời, trong khó khăn, chúng ta cũng nhìn thấy cơ hội mang lại từ làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là rất lớn, giúp mở ra không gian mới cho sự phát triển.
Mọi người sẽ sớm nhận ra rằng, từ nửa sau thế kỷ XXI này, thế giới có thể sẽ không còn nhớ đến những quốc gia dẫn đầu về thu nhập nhưng sẽ luôn nhớ đến những quốc gia, những tổ chức, những cá nhân tiên phong trong một số thành tựu đem lại cuộc sống tốt hơn cho con người. Việt Nam chưa thể đứng ở nhóm đầu các quốc gia về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số ngành và lĩnh vực mới khai phá. Chúng ta cần sớm nhận ra cơ hội trong khó khăn. Nghị quyết 52 NQ/TƯ của Bộ Chính trị cho thấy Đảng ta đã sớm nhận ra cơ hội này và đã chủ động đề ra chủ trương và chính sách lớn. Cả hệ thống chính trị và người dân chúng ta phải có trách nhiệm và quyết tâm đưa Nghị quyết đó vào thực tiễn, biến cơ hội thành lợi thế, biến lợi thế thành nguồn lực, chuyển nguồn lực thành kết quả tăng trưởng bền vững cho đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.
Kính thưa các đồng chí,
Tôi tin những đặc tính của dân tộc ta như tinh thần đoàn kết, ý chí, quyết tâm, tính cần cù, lạc quan và thích ứng nhanh sẽ làm nên thành công. Bởi cha ông ta, cũng với tinh thần đó, đã đứng vững trước mọi thách thức của thiên tai cũng như đẩy lùi mọi cuộc xâm lược để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta. Cũng với tinh thần đó, các nhà lãnh đạo đi trước đã giành được nhiều thành tựu vô cùng ý nghĩa trong gần 35 năm đổi mới. Chính tinh thần ấy đã giúp chúng ta có được sự tiến bộ không ngừng trong 5 năm qua. Chính nhờ tinh thần ấy, tăng trưởng kinh tế của chúng ta luôn thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Cũng tinh thần ấy, tinh thần "chống dịch như chống giặc", chúng ta đã kiểm soát được sự lây lan và giảm thiểu được thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra. Những thành quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, là sự hòa quyện của "Ý Đảng và lòng dân".
Kính thưa các đồng chí,
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cần phải củng cố niềm tin vào những giá trị truyền thống, tin vào bản lĩnh, khí phách, sự gan góc của một dân tộc anh hùng. Nền kinh tế chúng ta, đất nước chúng ta đang tiến nhanh về phía trước với tốc độ mà cách đây ít năm một số đánh giá cho rằng điều này khó có thể xảy ra và chắc chắn rằng dân tộc chúng ta sẽ tiếp tục tiến nhanh hơn nữa về phía trước như tinh thần dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp khai mạc vào ngày 25-1-2021.
Kính thưa các đồng chí,
Sứ mệnh của chúng ta là kiến tạo một môi trường mà ở đó mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và "không để ai bị bỏ lại phía sau". Chúng ta đã cùng nhau đạt được những kết quả bước đầu và không được chủ quan bởi chúng ta còn có thể làm tốt hơn thế. Bên cạnh việc đầu tư những dự án lớn quốc gia, chúng ta cũng không được bỏ sót những dự án nhỏ, những con đường, chiếc cầu ở nông thôn, miền núi. Các cháu phải có cầu qua sông để đi học, đó là mệnh lệnh của trái tim! Cùng với giao thông, hạ tầng viễn thông cũng sẽ được nâng cấp và bao phủ hơn nữa, nhất là mạng 5G.
Giáo dục, đào tạo và dạy nghề là một cách trao cơ hội tốt nhất để mỗi người dân có thể tự mình tìm kiếm được một công việc phù hợp. Chúng ta sẽ phải nâng cấp chất lượng giáo dục, dạy nghề bắt đầu với việc lựa chọn, khuyến khích những thầy giáo, cô giáo có năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và đạo đức nghề nghiệp. Đất nước ta phải luôn đề cao tinh thần "tôn sư trọng đạo", "tiên học lễ, hậu học văn". Chính phủ phải bảo đảm môi trường học tập an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, khói thuốc và chất kích thích, nhất là tệ nạn ma túy; xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục.
Cùng với giáo dục, Đảng và Nhà nước ta sẽ đầu tư để có được một hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, dễ dàng tiếp cận và chi phí phù hợp cho mọi người dân, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Chúng ta phải tiếp tục mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế lên 100% trong thời gian sớm nhất, đồng thời phải sớm thực hiện thông tuyến, mở rộng phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế, nhất là đối tượng trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn; hướng tới trẻ em dưới 16 tuổi cần được Nhà nước chi trả bảo hiểm y tế hoàn toàn.
Như tôi đã phát biểu trước Quốc hội mới đây, Chính phủ không chấp nhận tình trạng bệnh nhân mù mờ trước chi phí y tế. Chúng ta rất vui khi ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã khai trương Cổng công khai y tế, tuy nhiên,, vẫn còn nhiều việc cần làm để hệ thống y tế của chúng ta phục vụ nhân dân tốt hơn. Chúng ta đã kiểm soát được sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng và phải nỗ lực để không cho dịch tái bùng phát. Hiện, vắc xin phòng Covid-19 đang tiến triển tốt. Chính phủ nỗ lực để không ai bị bỏ rơi do chi phí vắc xin cao vượt khả năng chi trả của người dân.
Cùng với giáo dục và y tế, chúng ta cũng đang xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội rộng lớn để bảo vệ những người yếu thế trong xã hội. Chúng ta phải có trách nhiệm chăm lo cho những người có công với đất nước; người nghèo, người tàn tật, người già, nhất là người già neo đơn; bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái trước vấn nạn xâm hại tình dục, trẻ em bị ngược đãi về thể chất và tinh thần. Cùng với bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp cũng rất quan trọng để giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, tìm được một cơ hội việc làm mới. Chúng ta thường xuyên quan tâm đến công tác quốc phòng an ninh và đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển, đặc biệt là trên Biển Đông.
Bên cạnh hai trụ cột kinh tế và xã hội, chúng ta phải chú trọng hơn nữa vấn đề môi trường. Mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, từ không khí cho đến nguồn nước, từ dòng sông cho đến con suối, từ hồ ra đến biển. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên. Trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.
Cả hệ thống chính trị chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một xã hội phát triển toàn diện, ở đó mọi tầng lớp nhân dân bất kể thành phần, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, tuổi tác… đều có cơ hội chung tay góp sức, chia sẻ khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Kính thưa các đồng chí,
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu:
* Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
* Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
* Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình Covid-19 trong nước và thế giới. Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP năm 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.
Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; thưa các đồng chí,
Đất nước ta sẽ tiếp tục đối diện với nhiều cơ hội mới đan xen thách thức mới. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cần tiếp tục hun đúc, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ cho 5 năm tiếp theo và xa hơn, với niềm tin và sự kiên định với lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Cuối cùng, thay mặt Chính phủ, một lần nữa, tôi xin cảm ơn sâu sắc đến đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 địa phương đã luôn đồng hành, ủng hộ Chính phủ trong 5 năm qua.
Xin chúc sức khỏe toàn thể các đồng chí!
Xin trân trọng cảm ơn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.