Theo dõi Báo Hànộimới trên

Toán học với sao Thiên Lang và Ai Cập cổ đại

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 08/09/2013 06:48

Trong lịch sử một vạn năm gần nhất của loài người, nền văn minh gắn liền với những tri thức vượt trội về toán học và thiên văn học của người Ai Cập cổ đại khiến người hiện đại phải nể phục.

Sự phát triển của thiên văn học và toán học, thông qua sự quan sát của con người về sự chuyển động của những hành tinh, giúp tạo ra lịch. Trong lịch sử, mỗi nền văn minh tạo ra một bộ lịch cho riêng mình nhằm phục vụ đời

sống sinh hoạt và sản xuất (với hiểu biết của người hiện đại thì lịch thời xưa chủ yếu để phục vụ cho nông nghiệp, săn bắt, hái lượm...). Tuy vậy, có một bộ tộc ở Tây Phi, hiện đang sống tương đối lạc hậu so với nền văn minh nhân loại, với khoảng 200.000 dân, không có chữ viết riêng, nhưng từ xa xưa đã lưu truyền những kiến thức qua văn hóa truyền miệng về thiên văn học với bốn cách tạo ra lịch. Chúng ta biết lịch dương với lịch âm là căn cứ vào so sánh sự chuyển động của Trái đất đối với Mặt trời và Mặt trăng. Người Doxiang, là một bộ tộc hiện sống ở Mali, ven bờ sông Nile, đã truyền miệng về bốn cách tạo ra lịch từ cổ do tổ tiên truyền lại từ cách đây một vạn năm trước, theo thứ tự lấy quỹ đạo chuyển động của Mặt trời, sao Thiên Lang, Mặt trăng và sao Kim làm cơ sở. Trong số này, Thiên Lang A là sao sáng nhất trên bầu trời, nếu quan sát từ Trái đất và cũng là sao nằm ngoài hệ Mặt trời trong bốn sao để làm lịch trên.

Theo truyền thuyết của người Doxiang thì từ xa xưa, một phi thuyền của người từ hành tinh Thiên Lang đã ghé thăm tổ tiên của họ và hướng dẫn những kiến thức thiên văn cho tộc người này. Thật kì lạ là bằng văn hóa truyền miệng, những tri thức của tổ tiên người Doxiang về ba ngôi sao Thiên Lang A, B, C đã được khoa học ngày nay kiểm chứng: Sao Thiên Lang mà con người quan sát được bằng mắt thường có hai sao nữa ở xung quanh. Người Doxiang không hề có kính viễn vọng cũng như chữ viết, những kiến thức về thiên văn học là do truyền miệng từ tổ tiên cách đây hàng vạn năm, có lẽ đáng tin. Một số nhà khoa học đã truy tìm nguồn gốc và cho rằng bộ tộc này đã di chuyển từ Ai Cập về Mali. Một sự trùng hợp nữa là kiến thức về thiên văn học của người Ai Cập cổ đại lại trùng đúng kiến thức này của người Doxiang: Nối ba kim tự tháp (KTT) chính Giza của Ai Cập lại sẽ được một đường thẳng, thẳng hướng với sao Thiên Lang. Trong bài trước, chúng tôi đã nói về giả thuyết của một số nhà khoa học là thời gian bắt đầu xây dựng những KTT lớn này là khoảng hơn 11000 năm trước, dựa trên phương pháp đồng vị carbon C14. Một số nhà khoa học ngày nay đưa ra giả thuyết rằng các tầng bên trong KTT lớn được dùng như một hệ thống kính viễn vọng để quan sát sao Thiên Lang. Đối với người Ai Cập cổ đại, thời điểm ngôi sao này xuất hiện trên bầu trời đánh dấu những hiện tượng thời tiết đặc biệt trong năm như lũ lên ở sông Nile, qua đó tính toán cho mùa vụ trong nông nghiệp.

Phải chăng, những kiến thức về thiên văn học, toán học như hệ thống chữ số của người Ai Cập cổ đại cũng chung nguồn gốc là từ sự giao lưu với người từ hành tinh Thiên Lang theo như truyền thuyết này?

Kết quả kỳ trước: Hình tròn lớn nhất bao quanh bãi đá Stonehenge gồm 30 phiến đá. Trao giải 50.000 đồng/người cho bạn Nguyễn Thị Diễm Quỳnh (85, tổ 6, Sài Đồng, Long Biên).

Kỳ này: Sao Thiên Lang C được các nhà khoa học hiện đại tìm thấy năm nào? Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Toán học với sao Thiên Lang và Ai Cập cổ đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.