(HNM) - Vào thời điểm bóng đen của đại dịch Covid-19 đã bao phủ hầu hết châu lục, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Nhà lãnh đạo này cho rằng SARS-CoV-2 đang tấn công vào “cốt lõi xã hội” và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay đối phó quyết liệt hơn...
Chỉ sau 3 tháng, vi rút SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số ca nhiễm tiến gần tới mốc 1 triệu người, trong đó gần 50.000 trường hợp đã tử vong. Sự lây lan của Covid-19 là “kẻ thù vô hình” đã khiến cả thế giới chao đảo. Bên cạnh những thiệt hại về người, Covid-19 còn gây ra những tổn thất nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, có thể khiến hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, làm cho thế giới mất đi hơn 1.000 tỷ USD. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva quan ngại, kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với tăng trưởng âm. Ngay thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã thực sự rơi vào khủng hoảng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đổ vỡ do nhu cầu tiêu dùng suy giảm.
Trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, Giáo sư Adam Kamradt-Scott, một chuyên gia người Australia về các bệnh truyền nhiễm cho rằng, dịch bệnh luôn trở thành nỗi sợ hãi cố hữu bởi đây là kẻ thù giấu mặt. Công tác ứng phó đại dịch Covid-19 chỉ có thể mạnh mẽ và hiệu quả hơn nếu tất cả các nước hiểu rằng đây là mối đe dọa với toàn nhân loại. Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, giờ là lúc mỗi người cần bỏ qua khác biệt, hợp sức đối phó với Covid-19.
Cần khẳng định, cách ứng phó duy nhất trước đại dịch toàn cầu là cả thế giới cùng nhau hợp tác ở mọi cấp độ. Ngay từ những ngày đầu, Liên hợp quốc đã thể hiện vai trò điều phối, trong đó có việc huy động một quỹ ứng phó toàn cầu trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương. Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống dịch Covid-19. Cùng với đó Liên minh châu Âu (EU) nhất trí phát triển một hệ thống quản lý khủng hoảng châu Âu, trong khi Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tích cực chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh...
Với từng quốc gia, nỗ lực hợp tác biểu hiện rõ nét ở việc sẵn sàng dồn sức người lẫn vật tư y tế để hỗ trợ công tác chống dịch cho những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi dịch bệnh mới bùng phát tại Trung Quốc, nước này rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung y tế nghiêm trọng. Ngay lập tức, Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã cung cấp vật tư y tế qua quỹ khẩn cấp nửa triệu USD; Hàn Quốc viện trợ 2 triệu mặt nạ, 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 bộ đồ bảo hộ; Mỹ gửi tới Trung Quốc 2 triệu chiếc khẩu trang... Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, lại tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm chống dịch cho các nước gặp khó khăn hơn. Vừa qua khó khăn khốc liệt, Trung Quốc lại gửi chuyên gia và vật tư y tế cho Italia và Tây Ban Nha, hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 tại châu Âu.
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) đã viện trợ nhân đạo hơn 20 triệu USD cho Iran; trong khi Pháp, Đức, Anh đều bày tỏ tình đoàn kết với quốc gia Trung Đông này thông qua khoản hỗ trợ tài chính bổ sung khẩn cấp 5,57 triệu USD. Nga, Cuba cũng cử chuyên gia tới Italia để hỗ trợ đất nước Hình chiếc ủng trong thời khắc có thể gọi là "đen tối" nhất. Thậm chí, những mâu thuẫn chính trị thường ngày cũng đã được các nhà lãnh đạo gạt sang một bên, tập trung tối đa cho công tác chống dịch. Chỉ sau một cuộc điện thoại, Mátxcơva ngày 1-4 đã điều máy bay quân sự chở trang thiết bị y tế và khẩu trang tới giúp Mỹ ứng phó dịch bệnh.
Đúng như Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận định, Covid-19 là cuộc khủng hoảng chưa từng có, nhưng nó đã và đang cho thấy những nỗ lực hợp tác cũng chưa từng có trong lịch sử thế giới. Hơn 7,7 tỷ người dân trên toàn cầu đang chung “chiến hào”, cần đồng lòng, hợp sức để chống lại "kẻ thù chung".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.