(HNMO) - Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố lớn nhất thế giới bằng cách gom 9 thành phố lớn thành một siêu đô thị khổng lồ. Nó được tạo thành từ các thành phố Thâm Quyến, Đông Quan, Huệ Châu, Chu Hải, Trung Sơn, Giang Môn, Quảng Châu, Phật Sơn và Triệu Khánh.
Trung Quốc từ xa xưa đã dẫn đầu thế giới về dân số. Năm 1897, dân số của nước này đã đạt 363 triệu người, cao hơn 45 triệu người so với dân số hiện nay của Mỹ.
Một thế kỷ sau đó, các vùng nông thôn ở đồng bằng Châu Giang bắt đầu hình thành một trung tâm đô thị trong bối cảnh công nghệ và công nghiệp bùng nổ của những năm 1990.
Các bức ảnh chụp ảnh vệ tinh của NASA trong khoảng thời gian 30 năm cho thấy sự thay đổi ngày càng rõ ràng. Trong ảnh là năm 1973, về cơ bản vùng lưu vực Châu Giang vẫn còn khá hoang sơ.
Và đây là ảnh vệ tinh năm 2003. Công nghiệp phát triển dọc theo sông Châu để tận dụng các cơ hội cho thương mại.
Vào năm 2008, chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch chính thức của mình để hợp nhất 9 thành phố thành một "siêu đô thị" khổng lồ.
Siêu đô thị sẽ có 42 triệu dân.
Để hiện thực hoá ý tưởng, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng quy mô xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường sắt, bệnh viện, và nhà máy. Dự kiến trong vòng 6 năm tới sẽ có khoảng 150 dự án cơ sở hạ tầng chính được thực thi, bao gồm dự án giao thông, năng lượng, nước và hạ tầng viễn thông, với chi phí khoảng 304 tỷ đô la.
Và chính quyền Trung Quốc đã quyết phá bỏ cơ cấu hạ tầng hiện có để thay bằng các quy hoạch mới. Trong ảnh là một khu nhà chung cư được san bằng để nhường chỗ cho hệ thống giao thông.
Trong khi các công trình vẫn đang mọc lên thì đến nay chính quyền vẫn chưa chọn được tên cho siêu thành phố mới, được kỳ vọng sẽ tương đương 1/10 nền kinh tế Trung Quốc.
Đô thị hoá, Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề môi trường. Ô nhiễm vốn là vấn nạn chính tại đồng bằng Châu Giang hiện nay do tốc độ công nghiệp hóa.
Chính quyền Trung Quốc dự kiến di chuyển 80 triệu người vào bên trong khu vực đồng bằng Châu Giang đến năm 2030. Tuy nhiên, theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, khoảng 64% người dân vẫn sống trong các khu vực không thuộc đô thị ở đồng bằng Châu Giang.
Đây sẽ là thách thức. Đến năm 2030, Trung Quốc có kế hoạch chi 322 tỷ đô la với hy vọng thu hút thêm nhiều người từ các vùng ngoại ô vào siêu đô thị này.
Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, khu vực sẽ kết nối hợp lý với nhau, việc đi lại của cư dân trong vùng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sẽ có khoảng 29 đường tàu điện, tổng chiều dài gần 5000km được xây mới, giúp giảm thời gian đi lại trong vùng xuống một giờ so với hiện nay. Thời gian giữa Hồng Kông và Quảng Châu từ hai giờ còn 48 phút.
Trong tương lai, đây không phải là siêu thành phố duy nhất của Trung Quốc. Sau đồng bằng Châu Giang, kế hoạch dài hạn là đến cuối thập kỷ này, Trung Quốc sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm nhiều thành phố 50 đến 100 triệu dân và các cụm thành phố vệ tinh từ 10 đến 25 triệu dân.
Tất nhiên, triển khai trên thực tế, Trung Quốc cũng gặp phải vô số những khó khăn. Trong ảnh là người phụ nữ ở Quảng Châu phản đối việc bị thu hồi đất, dùng gạch tấn công lực lượng cưỡng chế. Người phụ nữ này sau đó đã nhảy lầu tự tử. Mặc dù là một trường hợp hiếm hoi, song nó cho thấy sự tác động sâu sắc của dự án đến người dân Trung Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.