Sự ra đời của các khu công nghiệp và khu chế xuất (KCN) tập trung trên phạm vi cả nước trong hơn 10 năm qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp cũng như đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam, tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động. Thực tế cho thấy, quá trình hình thành và phát triển các KCN chính là sản phẩm của sự đổi mới tư duy và sáng tạo của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới.
Thông tin và đặc điểm cơ bản
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước đã có 82 KCN và KCX được thành lập, với tổng diện tích tự nhiên gần 16 ngàn hécta (không kể KCN Dung Quất), trong đó bao gồm diện tích đất công nghiệp dùng để cho thuê là trên 11 ngàn hécta. Đặc điểm dễ nhận thấy là các KCN có quy mô diện tích rất đa dạng, nhỏ thì khoảng 50ha, trung bình 50-100 ha và nhiều KCN có diện tích trên 100ha. Tiếp theo, các KCN thường hay có ý định mở rộng giai đoạn 2 thông qua sự đầu tư nối tiếp giai đoạn 1 và điều này thường xảy ra đối với những KCN cóđiều kiện về tài chính, diện tích đất liền kề và quan trọng hơn cả là tiềm năng thu hút doanh nghiệp thuê đất trong tương lai, phần lớn dựa trên sự đánh giá kết quả thu hút đầu tư của giai đoạn 1.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng KCN, đến nay ở nước ta vẫn có hai hình thức huy động vốn chủ yếu là doanh nghiệp trong nước tự bỏ vốn 100% để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc thông qua hình thức liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài nhằm xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, các KCN có vốn liên doanh thường gặt hái thành công, với tỷ lệ lấp đầy khá cao do năng lực tài chính ổn định, kinh nghiệm và nguồn khách hàng có sẵn nhờ quan hệ của phía đối tác nước ngoài cũng như khả năng tiếp thị hấp dẫn khách thuê đất một cách chuyên nghiệp.
Một đặc điểm lớn của các KCN là sự phân bố không đều trên các vùng lãnh thổ và các tỉnh, thành trong cả nước. Vùng Đông Nam Bộ hiện có tới 42 KCN, đồng bằng sông Hồng có 17, khu vực duyên hải miền Trung có 14, trong khi vùng Tây Nguyên chỉ có 1 KCN, đồng bằng sông Cửu Long có 6 và miền núi phíaBắc chỉ có 2. Như vậy, vùng Đông Nam Bộ, chiếm hơn 50% tổng số KCN của cả nước, nhiều nhất ở TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bình Dương. Theo phân tích của giới chuyên gia, sở dĩ có sự phân bố không đều giữa các KCN chủ yếu là do hoàn cảnh địa lý và trình độ phát triển kinh tế của các tỉnh, thành và vùng miền. Mặt khác, các KCN cũng phải được triển khai ngay gần đường giao thông hoặc gần cảng biển để có thể dễ dàng tiến hành hoạt động xuất, nhập khẩu phục vụ sản xuất.
Kết quả hoạt động
Đến nay, đã có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tiến hành đầu tư vào các KCN Việt Nam thông qua gần 1.300 dự án sản xuất và dịch vụ công nghiệp, với tổng số vốn đăng ký gần 10,4 tỷ USD. Cụ thể hơn, số vốn đăng ký nói trên chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam, trong đó nếu tính riêng về ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ công nghiệp thì vốn của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN chiếm tỷ trọng 40%. Sẽ không có được kết quả này nếu không có sự đầu tư rất lớn của các nước và vùng lãnh thổ châu á như Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan...vào các KCN và chiếm tới 80% tổng số dự án đầu tư vào các KCN. Ngược lại, các nhà đầu tư của Mỹ, châu Âu - tuy có tiềm năng công nghệ và tài chính rất lớn lại hầu như vắng bóng trên “sân” KCN Việt Nam.
Các KCN đã thu hút chủ yếu các ngành sản xuất có mức độ trung bình của thế giới, chủ yếu bao gồm hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp nhẹ như dệt, may, sợi...Bên cạnh đó là các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nặng thuộc lĩnh vực lắp ráp điện tử, sắt thép, hóa chất, cơ khí...đã xuất hiện ngày càng nhiều nhưng chưa bằng ngành công nghiệp nhẹ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung hiện tại vốn đầu tư thực hiện các doanh nghiệp hoạt động trong KCN đã đạt trên 4,5 tỷ USD, bằng 45% tổng vốn đăng ký. Thời gian xây dựng cơ bản trung bình của doanh nghiệp đầu tư vào KCN tương đối ngắn, khoảng 1-2 năm và đây là những thành công rất đáng khích lệ của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào các KCN.
Hiện tại các KCN nói chung đã cho thuê hơn 4.800 ha, đạt mức độ lấp đầy 45%. Trong đó, có một số KCN đi đầu và cơ bản lấp kín hoàn toàn là Biên Hòa 2, KCX Linh Trung, KCN Việt Nam - Xin-ga-po...nhưng cũng có những KCN thất bại như KCX Hải Phòng 96, KCN Cát Lái. Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN đã trực tiếp tạo ra một nguồn sản phẩm, hàng hóa phong phú, đa dạng và có chất lượng khá cao. Một số ngành sản xuất quan trọng có công nghệ cao đã được hình thành và tham gia đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa của nước ta từ chính các KCN như điện tử, tivi, ôtô...Trong đó, kể cả nhiều loại sản phẩm tham gia xuất khẩu, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước như giày dép, dệt may, đồ điện gia dụng. Riêng năm 2002, các doanh nghiệp KCN đã nộp ngân sách 230 triệu USD.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các KCN đã và đang đóng góp tổng hợp cho sự phát triển kinh tế cả nước, đồng thời trực tiếp tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền và tạo bước chuyển dịch cơ cấu, thu hút vốn, công nghệ cũng như kỹ năng quản lý tiên tiến từ các đối tác nước ngoài.
Vũ Anh(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.