(HNMO) - Ngày 28-10, tại TP Hồ Chí Minh, OpenWay Group và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đồng tổ chức tọa đàm “Xu thế mới trong thanh toán hiện đại”, thu hút sự quan tâm của nhiều ngân hàng, các định chế tài chính và doanh nghiệp cung cấp giải pháp trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính của Việt Nam. Tọa đàm còn có sự tham gia của các diễn giả đến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VNBA, Nga, Kenya, Singapore…
Các tham luận tại tọa đàm tập trung vào vấn đề: Sự thay đổi mạnh mẽ trong xu thế thanh toán hiện đại, cụ thể là người dùng chuyển từ PC sang các thiết bị di động cầm tay. Điều đó cũng đòi hỏi các ngân hàng phải thay đổi chiến lược tiếp cận khách hàng nếu không muốn thị phần rơi vào tay đối thủ cạnh tranh. Ngay cả các hãng công nghệ lớn như Google, Apple… cũng đã tham gia thị trường cung cấp giải pháp thanh toán hiện đại thông qua các dịch vụ trực tuyến tiện lợi, bảo mật cao.
Một trong những giải pháp thu hút sự chú ý tại hội thảo được các chuyên gia OpenWay đưa ra đó là giải pháp thanh toán hiện đại Way4 cung cấp nền tảng phát triển cho ngân hàng, các công ty thanh toán, viễn thông và xăng dầu… Way4 cung cấp lựa chọn cho khách hàng với những giải pháp hàng đầu hiện nay liên quan đến quản lý thẻ và đại lý, chuyển mạch tài chính, thẻ trả trước, thương mại điện tử, thanh toán trên di động (Mobile Payment), ví điện tử (Digital Wallet), thẻ xăng dầu và các giải pháp khác…
Phụ trách thị trường Việt Nam của OpenWay Group Nguyễn Mạnh Hà cho biết: OpenWay có mặt tại Việt Nam đã được 10 năm với 8 ngân hàng đã cung cấp dịch vụ: VPBank (2005), SeABank, MB (2008), Maritime Bank (2010) và gần đây nhất là ngân hàng Nam Á và ACB. “Trên toàn cầu, OpenWay được tổ chức Gartner và Ovum (hai tổ chức đánh giá uy tín trên thế giới) xếp hạng là giải pháp hàng đầu trong lĩnh vực phần mềm thanh toán trên toàn thế giới” - ông Hà cho biết thêm.
Trao đổi của các chuyên gia cũng cho thấy, thách thức đối với sự phát triển, mở rộng các phương thức thanh toán hiện đại ở Việt Nam còn nhiều trở ngại, chủ yếu là niềm tin của cộng đồng khá thấp. Điển hình như năm 2013 tại Việt Nam có hơn 72 triệu thẻ ATM được phát hành nhưng trên thực tế tỉ lệ thanh toán trực tuyến bằng thẻ lại chỉ chiếm 19% trong tổng số thẻ nói trên. Khi các FTA, đặc biệt là TPP có hiệu lực, nhiều khả năng các ngân hàng nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam và với tiềm lực tài chính, công nghệ mạnh, rất có thể họ sẽ bỏ xa các ngân hàng trong nước, nhất là trong việc ứng dụng giải pháp thanh toán hiện đại phục vụ khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.