Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tọa đàm "Vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác cán bộ trẻ": Cần bước đột phá mới

Vũ Thủy| 20/03/2010 06:48

(HNM) - Hôm qua (19-3), Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm

(HNM) - * Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ
* Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan giao lưu với tuổi trẻ Thủ đô

Hôm qua (19-3), Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm "Vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác cán bộ trẻ". Đây là cuộc tọa đàm đầu tiên của cả nước về chủ đề này trước thềm đại hội Đảng các cấp và càng có ý nghĩa hơn khi được tiến hành trong Tháng Thanh niên, sau khi Ban Bí thư TƯ Đảng ban hành Quy chế cán bộ đoàn. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái; Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến; Bí thư Thường trực TƯ Đoàn Lâm Phương Thanh dự và chủ trì tọa đàm.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trò chuyện với đại diện thanh niên Thủ đô tại buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyệt Ánh


Vì sao tỉ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy chưa cao
Đề dẫn của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái nêu rõ: Công tác cán bộ trẻ vừa là một bộ phận của công tác cán bộ, vừa là yếu tố tạo nguồn chủ động lâu dài cho Đảng. Trong những năm gần đây, Thành ủy đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về cán bộ trẻ, nhưng kết quả đạt được còn chưa cao. Cụ thể qua chỉ đạo điểm đại hội Đảng cấp cơ sở ở 113 đơn vị, tỷ lệ cán bộ trẻ đạt rất thấp, chỉ có 20 đơn vị có cán bộ trẻ tham gia cấp ủy (2 đơn vị đạt tỷ lệ 15% cán bộ trẻ tham gia cấp ủy), số cán bộ trẻ được bầu vào các cấp ủy cơ sở là 30/1.315 đồng chí (tỷ lệ 2,3%), trong khi đó Chỉ thị 37-CT/TƯ của Bộ Chính trị yêu cầu tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy không dưới 15%. Bởi vậy, tọa đàm là dịp đánh giá thực trạng cán bộ trẻ cả về chất lượng, số lượng…

Trao đổi tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, chủ trương của TƯ ít nhất có 15% cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia cấp ủy. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hiện nay tỷ lệ này còn thấp so với yêu cầu. Bí thư Thành ủy nêu hai khó khăn khách quan trong việc giới thiệu cán bộ trẻ vào cấp ủy. Đó là thời gian thử thách còn ngắn, hiệu quả công việc cũng còn hạn chế. Mặt khác, thành phần bỏ phiếu chủ yếu lại là những người lớn tuổi, ít biết đến khả năng của cán bộ trẻ, nên còn nghi ngại. Vì thế, cán bộ trẻ tham gia dự đại hội đã khó, được bầu còn khó hơn nữa. Xoay quanh nội dung này, Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp ủy, cán bộ Đoàn đề xuất sáng kiến, giải pháp để đưa ra thảo luận, nếu có cơ chế đặc thù riêng cho cán bộ trẻ thì cùng thống nhất để làm sao quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong đại hội Đảng các cấp.

Bí thư Thường trực TƯ Đoàn Lâm Phương Thanh cũng nêu thêm lý do nữa là "ở một bộ phận cấp ủy không ai muốn rút, vì vậy cán bộ trẻ khó vào cấp ủy". Vì thế cũng cần linh hoạt trong quy hoạch cán bộ trẻ, không thể so sánh kinh nghiệm của người 3 năm công tác với người 20 năm công tác.

Tạo động lực để cán bộ trẻ rèn luyện, phấn đấu
Tại buổi tọa đàm, có 10 ý kiến thảo luận sôi nổi về công tác cán bộ trẻ, dẫn chứng những nét đột phá về quy hoạch, đề bạt cán bộ trẻ giữ chức vị lãnh đạo của một số đơn vị, đồng thời nêu hạn chế, giải đáp những khó khăn hiện nay.

Phó Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thị Liên cho rằng, công tác cán bộ trẻ của quận có nhiều bước đột phá trong mấy năm gần đây. Đến nay, 17 phường đều có cán bộ trẻ luân chuyển, giữ các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND. Mặc dù kinh nghiệm hạn chế, nhưng sau khi được luân chuyển họ đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, thực hiện chỉ đạo của TƯ và Thành ủy về tỷ lệ cán bộ trẻ, Quận ủy đã quy hoạch 30/80 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi và 15/80 cán bộ dưới 35 tuổi tham gia cấp ủy.

Bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh tế quốc dân Nguyễn Hoàng Hà cho rằng, hiện nay có rất nhiều nơi sử dụng cán bộ trẻ một cách hiệu quả, có cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm công khai, chế độ thưởng phạt công minh, quan tâm đến nhân viên... đã tạo động lực lớn cho cán bộ trẻ chuyên tâm làm việc và cống hiến. Tuy nhiên, anh Hà cũng thừa nhận có nguyên nhân chủ quan từ phía không ít cán bộ trẻ, đó là chưa thực sự nỗ lực, làm ít nhưng đòi hỏi nhiều, thích những công việc tại thành phố, thể hiện cái "tôi" quá lớn. Thêm nữa, có một bộ phận sau khi được tin tưởng giao nhiệm vụ lại tự mãn, ít rèn luyện, phấn đấu, có các hành vi tiêu cực, thậm chí thoái hóa, biến chất.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu khẳng định những ưu thế của cán bộ trẻ Thủ đô như được đào tạo bài bản, có ước mơ, hoài bão, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại gian khổ, khó khăn. Đồng thời mong muốn các cấp ủy Đảng mạnh dạn tin tưởng giao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ, dìu dắt, định hướng, giúp đỡ, chia sẻ, động viên, tạo điều kiện cho họ thực hiện nhiệm vụ. Bí thư Thành đoàn Hà Nội đề xuất "nên chăng cấp ủy có thể phân công lãnh đạo có kinh nghiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ trẻ và chịu trách nhiệm về quá trình theo dõi, giúp đỡ đó".

Kết luận buổi tọa đàm, thay mặt Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Công Soái đề nghị các cấp ủy Đảng, Thành đoàn cần tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ trẻ; làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ trẻ, tạo môi trường để cho họ được thử thách và rèn luyện. Các cấp ủy cần thường xuyên gần gũi, hướng dẫn, định hướng, góp ý, chia sẻ với cán bộ trẻ, tạo động lực để cán bộ trẻ phấn đấu, trưởng thành. Trước mắt, cấp ủy các cấp làm tốt công tác tạo nguồn, mạnh dạn đề xuất nhân sự, làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ này không dưới 15% theo tinh thần Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị.

Mỗi phong trào phải tìm được một điểm nhấn

Ngày 19-3, tại Nhà văn hóa học sinh, sinh viên Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã dự buổi giao lưu, tọa đàm với tuổi trẻ Thủ đô nhân kỷ niệm 79 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Bí thư TƯ Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng hơn 500 đoàn viên, thanh niên ưu tú, đại diện cho tuổi trẻ Thủ đô tham dự.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan biểu dương thành tích của tuổi trẻ Thủ đô với nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực (hiến máu nhân đạo, 5 xung kích - 4 đồng hành, bảo vệ môi trường...), góp phần làm cho Hà Nội xứng đáng là Thủ đô văn hiến, Anh hùng, thành phố hòa bình, xanh, sạch, đẹp. Phó Chủ tịch nước đề nghị đoàn thanh niên khi tổ chức các phong trào thi đua, phải quan tâm đến chiều sâu của phong trào, tập trung vào phương pháp tổ chức, tinh thần thi đua và kết quả thi đua, làm sao mỗi phong trào phải tìm được một điểm nhấn, cuốn hút thanh niên tham gia.

Tại buổi giao lưu, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ nguyện vọng, đề xuất ý kiến về các vấn đề liên quan đến thanh niên như: y đức với thầy thuốc trẻ; đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử của thanh niên học sinh; công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, lòng yêu nước cho các đối tượng thanh niên; việc làm cho thanh niên; chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, lao động trẻ tại các khu công nghiệp, chế xuất; trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm "Vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác cán bộ trẻ": Cần bước đột phá mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.