Chính trị

Tọa đàm khoa học về vận dụng thực hiện “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Đình Hiệp 22/05/2024 16:30

Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), sáng 22-5, Hội đồng khoa học Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vận dụng thực hiện ở Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội”.

t-3.jpg
Tọa đàm khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vận dụng thực hiện ở Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội”. Ảnh: Hoài Nam

Báo cáo đề dẫn tọa đàm do TS Vũ Lộc An, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lời chỉ dẫn vô cùng quan trọng của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chứa đựng những giá trị phổ quát, bao trùm mọi mặt đời sống xã hội. Đó cũng là một bản tổng kết sâu sắc, toàn diện kinh nghiệm, quá trình chỉ đạo cách mạng, những trải nghiệm, đường hướng phát triển tương lai của dân tộc; đồng thời, thể hiện lẽ sống của vị lãnh tụ, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.

Vì vậy, nghiên cứu, học tập và vận dụng tác phẩm “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” ở Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc.

t-1.jpg
TS Trần Thị Huyền, Giảng viên chính, Trưởng ban Lý luận, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoài Nam

Tại tọa đàm, có 6 bài tham luận trong số 27 tham luận gửi tới Ban tổ chức hội thảo cùng 5 ý kiến tham luận trực tiếp. Bằng các cách tiếp cận khác nhau, các tham luận và ý kiến thảo luận đã tập trung đi sâu phân tích hoàn cảnh ra đời; nội dung chủ yếu của tác phẩm “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, như vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng, tầm nhìn chiến lược về con người, niềm tin son sắt vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, về đoàn kết quốc tế…; giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về bản Di chúc, mỗi cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động nhà trường vận dụng vào thực tiễn học tập, rèn luyện.

t-2.jpg
PGS.TS Phạm Minh Anh phát biểu kết luận Tọa đàm. Ảnh: Hoài Nam

Phát biểu kết luận Tọa đàm, PGS.TS Phạm Minh Anh, khẳng định: Di chúc của Bác là sự kết tinh trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền; là phác thảo lý luận về sự nghiệp đổi mới; mang giá trị nhân văn sâu sắc...

Ngày nay, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục soi đường, cổ vũ cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, vượt qua thử thách, giành những thắng lợi vẻ vang, đưa cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành một nước hùng cường như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội ra sức học tập, rèn luyện, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng Đảng bộ và nhà trường trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ thành phố giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm khoa học về vận dụng thực hiện “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.